F0 cần lưu ký gì khi dùng thuốc tại nhà?

Thứ hai, 28/02/2022 16:00
(ĐCSVN) – “Hiện tại song song với số ca F0 tăng mạnh thì trên mạng xã hội rất nhiều đơn thuốc điều trị F0 lan tràn. Điều này khiến tôi rất lo lắng muốn biết cần có những chú ý nào liên quan đến các loại thuốc điều trị F0 này?” - Bạn đọc Đỗ Khuyên (Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi.
Người bệnh không nên tự dùng coritcoid tại nhà. Ảnh CTV

Thời gian vừa qua, từ những gia đình có người nhiễm COVID-19 đến những gia đình chưa có người bị F0 cũng đã tự tích trữ thuốc. Nhiều người bệnh còn tham khảo các đơn thuốc được chia sẻ trên mạng để mua uống mà không quan tâm đến khuyến cáo của các chuyên gia y tế.

Lợi dụng tâm lý lo sợ muốn tích trữ thuốc của người dân một số cá nhân đã rao bán các loại thuốc kháng virus của rất nhiều hãng khác nhau như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc …với quảng cáo thuốc này có thể điều trị hiệu quả COVID-19 và phòng ngừa các biến chứng hậu COVID-19.

Các loại thuốc này có mức giá khác nhau và để mua được những loại thuốc này người mua đã phải bỏ ra từ hơn 1 triệu đến hơn 3 triệu cho 1 liều thuốc.

Trước tình hình này, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ hơn các loại thuốc, tham khảo thêm ý kiến từ y bác sĩ và thông tin từ các trang web chính thống của Bộ Y tế để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc bởi rất nhiều bệnh nhân đã gặp phải tác dụng phụ khi tự mua và sử dụng thuốc.

“Nhiều bệnh nhân tự tin vào thuốc quá mà không đến bệnh viện sớm, chỉ khi quá nặng mới vào viện. Nhưng một số trường hợp lại uống qúa sớm dẫn đến gặp các tác dụng phụ như: có người loạn thần khi sử dụng thuốc kháng virus, có người tăng đường huyết, tăng huyết áp khi uống thuốc corticoid”. Ths, Bsi Lê Hoàng Nam – Bác sĩ tại Đại Học Y Hà Nội chia sẻ.

Chúng ta cần hiểu rõ bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, nhưng tác nhân làm cho bệnh nặng là do chính hệ miễn dịch của cơ thể. Điều này không xảy ra ở tất cả nhưng ở một số bệnh nhân, hệ miễn dịch đã hoạt động quá mức dẫn đến gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Phản ứng miễn dịch này xảy ra sau một khoảng thời gian bị nhiễm bệnh. Phổi là cơ quan virus xâm nhập nên biểu hiện đầu tiên là từ phổi khi có dấu hiệu giảm nhiều SpO2. Đây có thể là thời điểm thích hợp để dùng corticoid nhằm kìm hãm phản ứng miễn dịch.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cũng gặp phải phản ứng nặng này, việc dùng corticoid cần có sự tham vấn chuyên môn từ bác sĩ. Hơn nữa nếu đã tiêm vaccine thì 99% triệu chứng nhẹ và không chuyển thành bệnh COVID-19.

“Điều trị COVID không chỉ là thuốc dù thuốc đó tốt như thế nào mà còn nhiều khía cạnh khác. Không có toa thuốc thần kỳ cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là theo dõi SpO2 đúng cách để biết khi nào cần đưa bệnh nhân vào viện để điều trị chuyên sâu và hiệu quả”, bác sĩ Lê Phương Hoa – bác sĩ tại bệnh viện Y Hà Nội, người đã điều trị rất nhiều bệnh nhân F0 lưu ý.

Theo một số nghiên cứu việc dùng coritcoid có tác dụng rút ngắn thời gian nằm viện và tỉ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân COVID-19 nặng (cần phải thở máy, thở oxy). Ngược lại đối với nhóm bệnh nhân có triệu chứng nhẹ thuốc lại không phát huy hiệu quả. Nếu bệnh nhân uống coritcoid sớm quá lúc virus đang nhân chia thì nguy cơ bệnh sẽ bùng phát nặng hơn. Nếu dùng muộn quá thì lỡ thời cơ ngăn chặn tổn thương phổi tiến triển. Do đó, người bệnh cũng không nên cùng coritcoid tại nhà.

Cùng với thuốc kháng virus, kháng viêm thì thuốc kháng sinh cũng là một loại thuốc thường bị lạm dụng trong điều trị COVID-19.

PGS.TS Nguyễn Kim Xuân – thuộc Bộ môn dược lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội cho biết, chỉ khi nào người bệnh bị đồng nhiễm hoặc bội nhiễm vi khuẩn mới cần dùng đến kháng sinh. Bởi COVID-19 là bệnh do virus gây ra, kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh này. Tỷ lệ đồng nhiễm vi khuẩn ở bệnh nhân COVID -19 khá thấp, đặc biệt là những trường hợp mắc bệnh nhẹ. Nếu như sử dụng thuốc kháng sinh không đúng ngoài việc tốn kém về kinh tế mà còn dễ gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Tai hại hơn chính việc tự ý dùng kháng sinh người bệnh lại luyện cho vi khuẩn tăng khả năng đề kháng đối với kháng sinh, khiến cho việc điều trị lại càng phức tạp, khó khăn hơn.

Hiện nay, đa số các ca nhiễm COVID-19 đều ở thể nhẹ. Do đó, mọi người nên bình tĩnh theo dõi sức khỏe, làm theo chỉ dẫn của y bác sĩ và đặc biệt là theo dõi chỉ số SpO2. Khi có các triệu chứng như ho, sốt, tiêu chảy, đau đầu bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol thuốc ho thảo dược, thuốc chống tiêu chảy và bù điện giải…để điều trị các triệu chứng này. Nếu có dấu hiệu bất thường mới cần nhập viện./.

Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực