Lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu trong năm 2022?

Thứ năm, 02/12/2021 16:27
(ĐCSVN) - Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, một tháng sẽ có ba lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21, mỗi lần cách nhau 10 ngày, thay vì 15 ngày như hiện nay.

Bạn đọc Nguyễn Thu Loan, 45 tuổi, một chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải hỗn hợp trú tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên hỏi, thời gian qua giá xăng dầu tăng rất nhiều nhưng lúc giảm thì lại giảm rất ít và phải đợi rất lâu mới có đợt giảm. Pháp luật hiện nay quy định như thế nào về vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu? 

Liên quan nội dung này, theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hành, các kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo. Việc này sẽ giúp giá xăng dầu trong nước bám sát hơn diễn biến của thế giới, tránh tăng sốc và giảm chậm.

leftcenterrightdel
Từ 15h00 ngày 25/11, giá xăng E5RON92 không cao hơn 22.917 đồng/lít và xăng RON95-III không cao hơn 23.902 đồng/lít (Ảnh: Hoàng Yên)

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc giá biến động ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định biện pháp điều hành trên cơ sở báo cáo của Bộ Công thương.

Hiện theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.

Giá bán lẻ xăng dầu đã có biến động liên tục trong thời gian qua, cụ thể liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định từ 15h00 ngày 10/11, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.660 đồng/lít và xăng RON 95-III là 24.990 đồng/lít; tiếp đó từ 15h00 ngày 25/11, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 22.917 đồng/lít và xăng RON95-III không cao hơn 23.902 đồng/lít.

Cần phải nói thêm, ước tính chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 20% doanh thu vận tải, trong khi cơ cấu giá cơ sở, mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường bao gồm 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5 RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng...), mà thuế nhập khẩu lại không thể giảm bởi theo các cam kết tại Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, mức thuế này sẽ giảm dần về 0%.

Do đó, phương án tối ưu là cân nhắc giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, từ đó giúp hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực