Mức xử phạt hành vi kê khai sai vốn điều lệ?

Thứ năm, 06/01/2022 00:23
(ĐCSVN) – Trường hợp khi cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp khai vốn điều lệ sai quy định thì xử lý như thế nào? Mức xử phạt cao nhất ra sao?
 (Ảnh minh họa: TQ).

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó một trong số những điều khoản đáng chú ý về việc xử phạt hành vi kê khai không vốn điều lệ. Theo đó, tùy từng hành vi kê khai khống về vốn điều lệ sai quy định, tổ chức, cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm và sẽ bị phạt tiền tương xứng với hành vi vi phạm. Mức xử phạt hành chính thấp nhất với hành vi này là 20 triệu đồng; cao nhất là 100 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân sai phạm buộc phải khắc phục hậu quả (quy định tại điều 47, chương IV, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).

 Cụ thể như sau:

 Điều 47. Vi phạm về kê khai vốn điều lệ

 1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.

 2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.

 3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

 4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.

 5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.

 6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

 Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 và thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

 Cùng với đó, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP cũng nêu điều khoản chuyển tiếp, theo đó:

 1. Đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định này để xử lý nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.

 2. Đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã được ban hành hoặc được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư để xử lý./.

Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực