Trẻ ở nhà nghỉ dịch nhiều có bị ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ?

Thứ năm, 02/12/2021 09:00
(ĐCSVN)) - Bạn Thanh Hằng-Gia Lâm, Hà Nội hỏi: “Tôi có một bé gái năm nay 2 tuổi. Thời gian vừa qua do dịch bệnh kéo dài nên bé không được đến lớp. Để có có không gian làm việc tôi đành để bé xem ti vi hiều hơn, bởi chỉ có xem tivi hoặc điện thoại bé mới không quậy phá. Tuy nhiên, tôi cũng rất lo lắng không biết liệu tình trạng này kéo dài có làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ của bé?”

Trả lời:

Theo dữ liệu thống kế từ UNICEF, các đợt phong tỏa do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến khoảng 1,6 tỷ trẻ em.

“Có khoảng 30% trẻ em hội đủ các tiêu chí của hội chứng rối loạn căng thẳng” đây là công bố mới nhất từ Hiệp hội Y học thiên Tai và Y tế công cộng đã khảo sát những gia đình bị cách ly vì COVID-19.

Tương tác nhiều hơn giúp trẻ phát triển trí não toàn diện. Ảnh HC 

Tại Việt Nam, thời gian qua học sinh không được đến trường do tác động của COVID-19 trong thời gian khá dài, nhiều gia đình không thể thu xếp người trông con đành phải dùng điện thoại, tivi, ipad… để các con không nghịch ngợm. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài khiến trẻ ít giao tiếp hơn, có thể xem tivi, điện thoại nhiều hơn, dễ dẫn tới ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ, thậm chí có thể xuất hiện những rối loạn tâm thần ở trẻ bao gồm chậm nói, rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt.

Thực tế cho thấy 3 năm đầu đời là quãng thời gian trẻ bắt đầu tò mò, tìm hiểu và học hỏi. Những gì trẻ tiếp nhận được trong những năm đầu này sẽ là nền móng căn bản của cuộc đời. Chúng ta cũng có thể tự nhận thấy rất rõ ràng bằng việc so sánh 2 đứa trẻ cùng độ tuổi, một đứa trẻ được tương tác, nói chuyện nhiều với mọi người thì thường nói nhiều hơn, dạn dĩ hơn một đứa trẻ sống trong môi trường ít được tiếp xúc.

Chuyên gia tâm lý Đào Thái Hà, làm việc tại một Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em ở Hà Nội cho biết: Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh đã gọi điện đến trung tâm nhờ tư vấn về việc có con chậm nói, độ tuổi trung bình của các bé từ 15 tháng – 32 tháng tuổi. Trong số 70 trường hợp tới khám và tư vấn qua điện thoại về rối loạn sức khỏe tâm thần thì có tới 90% trẻ có biểu hiện chậm nói.

Dẫn đến việc trẻ chậm nói có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có việc sử dụng nhiều các thiết bị điện tử hoặc bố mẹ cho con một vài đồ chơi trẻ thích để con tự chơi mà bố mẹ cũng không có kĩ năng hoặc không đủ kiên trì để duy trì hoạt động chơi cùng với con có thể liên quan đến nguy cơ chậm nói và ít giao tiếp ở trẻ. Việc sử dụng các thiết bị điện tử hoặc tự chơi một mình trong thời gian quá dài sẽ khiến trẻ không còn nhu cầu tương tác với mọi người xung quanh. Càng ngày trẻ càng tự thu mình lại, ngại tiếp xúc dẫn đến phát triển ngôn ngữ chậm.

Ths tâm lý giáo dục Mai Thế Khoa cho hay, tiếp xúc quá nhiều thiết bị điện tử sẽ khiến trẻ không phát triển ngôn ngữ bởi thiết bị điện tử không đo được xúc cảm, hành vi của trẻ và không phản ứng một cách phù hợp với hành vi của trẻ để thông qua đó trẻ có thể phản ứng lại. Chính vì vậy, để phòng ngừa tình trạng chậm nói đến mức phải can thiệp cho con, ngay từ 4-6 tháng cha mẹ đã cần theo sát sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Cha mẹ nên hạn chế giảm thời gian cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử, không nên cắt hoàn toàn ngay lập tức sẽ khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương mà nên thay dần việc sử dụng các thiết bị này bằng tương tác trực tiếp với trẻ. Việc này phải làm đúng, đủ và đều chứ không phải làm khi có hứng, thì hiệu quả không thật sự rõ ràng. Phụ huynh ghi chép thấy khi nào con chủ động tương tác thì mới chuyển sang nội dung mới.

Như vậy, bạn Thanh Hằng nên cân đối lại thời gian và tìm phương pháp để tương tác với con mình nhiều hơn. Đồng thời, cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của con hơn, không nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, bữa ăn của trẻ cần đảm bảo cân đối các thành phần dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm giúp cho não bộ phát triển./.

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực