Trường hợp xét xử trực tuyến từ 01/01/2022?

Thứ hai, 29/11/2021 16:26
(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Đức Thành, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng hỏi: Trong đợt dịch vừa qua, các đợt giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến công tác xét xử của Toà án. Rất nhiều vụ án đã phải tạm dừng và không thể xét xử. Vậy theo quy định, Toà án có được xét xử trực tuyến hay không và trong trường hợp nào?

Liên quan đến câu hỏi trên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Phiên tòa trực tuyến được định nghĩa tại Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 (có hiệu lực từ 01/01/2022) của Quốc hội khóa XV là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng.

Tòa án Nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
 TAND thành phố Hải Phòng thử nghiệm phiên tòa xét xử trực tuyến (Ảnh: Báo Công lý)

Phiên tòa trực tuyến cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao theo thẩm quyền ban hành hoặc chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này. Tòa án Nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết này trong báo cáo công tác hàng năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực