Cần xử nghiêm phụ huynh trực tiếp uy hiếp Hiệu trưởng

Thứ tư, 02/11/2022 19:06
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Thượng tá Hà Hải Long, Trưởng Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết ngay sau sự việc ông Võ Văn Đ. (phụ huynh Trường Tiểu học Sơn Lâm) ngang nhiên vác dao xông vào trường và đe dọa nhiều giáo viên, công an đã có mặt để điều tra làm rõ.

Trước đó, khoảng 15h30 ngày 31/10, ông Võ Văn Đ. (phụ huynh có 2 con học lớp 1 và lớp 5 tại Trường Tiểu học Sơn Lâm) đã vác dao xông vào trường, lăng mạ giáo viên, bắt hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi. Sự việc chỉ dừng lại khi lực lượng công an đến can thiệp.

 Trường Tiểu học Sơn Lâm, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh nơi xảy ra sự việc
(Ảnh: vietnamnet.vn)

Thầy Phan Đình Thống, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm cho biết, nguyên nhân xuất phát từ việc trường thu bảo hiểm y tế bắt buộc chưa đạt chỉ tiêu nên đã phát loa nêu tên các em chưa nộp tiền, trong đó có con ông Đ.

Đơn vị thấy áp lực khi mới đạt 93% chỉ tiêu, còn 14 em chưa nộp. Khoản này mỗi học sinh phải đóng từ 402-563 nghìn đồng tùy hoàn cảnh gia đình. Phía nhà trường đã nhận thức được bản chất sự việc và gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Sơn, hành động phát loa gọi tên là thiếu tế nhị. Cơ quan bảo hiểm địa phương có trách nhiệm thu tiền bảo hiểm y tế bắt buộc. Tuy nhiên, vì thiếu nhân lực, địa bàn rộng nên chỉ đến vận động lần đầu, sau đó nhà trường cũng là thành viên của Ban Vận động công tác bảo hiểm xã hội nói chung, bảo hiểm y tế nói riêng nên phải vận động để thu đạt kết quả cao.

Với hành động của ông Đ, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi hành vi xúc phạm danh dự nhà giáo sẽ bị xử lý ra sao? Về nội dung này, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo không phải là hiếm trong môi trường giáo dục.

Theo Nghị định 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định rõ, buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai;

Đây là mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

“Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì danh dự là sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp. Nhân phẩm là phẩm giá và giá trị con người”, luật sư Nguyễn Văn Kỹ phân tích.

Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay clip…

Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Nếu hành vi làm nhục người khác cấu thành một tội độc lập thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện.

Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) quy định mọi người được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm; không bị bất kỳ hình thức đối xử nào xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm. Danh dự, nhân phẩm của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ và là một trong những quyền về nhân thân.

Ngoài ra, Khoản 4 Điều 70 Mục 2 Chương IV Luật Giáo dục 2019 (Luật số: 43/2019/QH14, ngày 14 tháng 6 năm 2019) quy định một trong những quyền của nhà giáo là được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Khi người nào đó (người dân, giáo viên, sinh viên, phụ huynh...) có lời nói hoặc hành động làm tổn thương, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của nhà giáo là vi phạm.

Theo Điều 155 Chương XIV Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Nếu ông Võ Văn Đ. có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thầy giáo nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm nhục người khác.

Trường hợp không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì ông này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Mục 1 Chương 2 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

“Ngăn chặn những hành vi xúc phạm tới nhân phẩm, danh dự của giáo viên cũng chính là để bảo vệ truyền thống tôn sư trọng đạo, bảo vệ vị thế của người thầy trong xã hội. Sự việc cụ thể trên là bài học kinh nghiệm cho cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà trường ở các cấp học trên toàn quốc”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực