Nhận được giấy thông báo lỗi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội, anh Trần Văn Tuấn rất ngạc nhiên với lỗi ghi trên giấy thông báo: Vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông. Bởi, tại thời điểm trên giấy thông báo vi phạm, anh Tuấn không lái chiếc xe của mình. Sau một hồi suy nghĩ, anh mới nhớ ra mình đã cho một người bạn mượn chiếc xe trong lần anh bạn này từ nước ngoài về thăm nhà. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, người bạn của anh Tuấn đã quay lại nước ngoài. Vẫn chấp hành nộp phạt theo quy định của pháp luật, nhưng anh Tuấn rất băn khoăn về mục đích, ý nghĩa của hình phạt khi đối tượng nộp phạt không phải là người vi phạm.
Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi là người luôn chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tôi lại phải nộp phạt bởi lỗi vi phạm của người khác, thậm chí anh ta còn không biết mình đã vi phạm luật lệ an toàn giao thông (ATGT). Mục đích của chế tài là nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, tôi không phải là người vi phạm. Vậy, trong trường hợp này, chế tài này có nhắm đúng đối tượng hay không?”.
Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông Hà Nội.
Anh Bùi Trung Tiến, một doanh nghiệp cho thuê xe tự lái tại Hà Nội chia sẻ: “Hầu như khách hàng đến thuê xe chỉ thuê trong 1 hoặc 2 ngày, mọi người đều phải có đầy đủ các giấy tờ cần thiết, đặc biệt là bằng lái xe chúng tôi mới chấp nhận cho khách thuê. Tuy nhiên, cũng đã từng xảy ra trường hợp khách hàng lái xe vi phạm luật lệ ATGT khi đi trên đường và bị ghi hình, tôi là chủ xe nên cũng là người nhận giấy thông báo lỗi. Tuy nhiên, rất khó khăn để tìm lại khách hàng đã thuê xe yêu cầu họ chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm của mình, bởi lúc này chúng tôi không còn giữ bất cứ tài sản, giấy tờ nào của khách nữa. Nếu có liên lạc được thì có người lấy lý do đi xa, người thì nói là bận không thể đến được(?!).
Còn anh Trịnh Văn Vượng (Hà Nội) rơi vào một tình huống khó xử khác: “Tôi mua chiếc xe ô tô đã qua sử dụng từ cách đây 4 tháng, do bận việc nên tôi chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ, nhưng tôi có hợp đồng mua bán (công chứng) từ người sử dụng gần nhất bán cho tôi. Khi mang xe đến đăng kiểm, tôi nhận được thông báo chiếc xe tôi đang sử dụng còn nợ tiền phạt do vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, từ cách đó gần... 7 tháng. Tôi điện thoại cho người bán chiếc xe cho mình thì được biết anh ta cũng mua lại từ một người khác, nay người đó đã ra nước ngoài và rất khó liên lạc được. Như vậy, tôi không vi phạm lỗi mà vẫn phải nộp phạt lỗi vi phạm mới được đăng kiểm thì có đúng với tinh thần phạt để răn đe người vi phạm hay không?
Trên thực tế, không thể không nói tới những kết quả tích cực, những chuyển biến rõ rệt về ý thức của người tham gia giao thông sau khi hình thức xử phạt nguội được đưa vào thực hiện. Tình trạng vi phạm luật lệ ATGT của các chủ phương tiện đã giảm rõ rệt, kể cả trong những trường hợp không có lực lượng chức năng tại khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc xử phạt nguội các lỗi vi phạm hành chính đã bộc lộ ra những hạn chế nhất định.
Từ năm 2015, trên địa bàn TP. Hà Nội đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát tại nhiều nút giao thông. Việc xử phạt nguội được tiến hành dựa trên căn cứ vào hình ảnh chụp lại lỗi vi phạm của các phương tiện khi tham gia giao thông. Từ biển số xe, lực lượng chức năng sẽ xác minh chủ xe, địa chỉ và gửi giấy báo mời đến trụ sở Công an làm việc và ra quyết định xử phạt. Sau 15 đến 30 ngày, nếu không thấy chủ xe đến, CSGT và Công an địa phương sẽ đi xác minh và có các hình thức xử lý tiếp theo.
Phát hiện vi phạm về trật ATGT qua camera giám sát.
Theo một số chuyên gia giao thông, một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác phạt nguội là xác định người vi phạm hoặc chủ phương tiện do không tìm thấy địa chỉ của chủ xe. Việc xác minh chính xác người điều khiển phương tiện vi phạm rất khó khăn. Do thực tế hiện nay ở Việt Nam, tình trạng mua bán phương tiện giao thông cơ giới, chủ phương tiện chỉ làm thủ tục mua bán mà không làm thủ tục sang tên theo quy định hiện hành vẫn còn khá phổ biến gây khó khăn cho hoạt động quản lý của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc chủ xe thay đổi chỗ ở, khai không đúng địa chỉ; địa giới hành chính thay đổi vẫn diễn ra phổ biến là một trong những khó khăn để truy nguyên người điều khiển phương tiện vi phạm...
Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Đèn chỉ huy tín hiệu giao thông, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết: “Đối với những vấn đề trên, chúng tôi cũng có những đề xuất đối với cơ quan cấp trên để có những biện pháp giải quyết như; Yêu cầu các hoạt động giao dịch mua bán của người dân (trước mắt là ô tô) cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc sang tên, đổi chủ theo đúng quy định. Ngoài ra, khuyến khích việc mỗi người dân là chủ sở hữu phương tiện lập tài khoản và cung cấp thông tin về tài khoản trong hồ sơ của chủ phương tiện đối với cơ quan quản lý. Như vậy, sẽ nâng cao hiệu quả trong quản lý Nhà nước đối với việc quản lý phương tiện giao thông và công tác xử lý vi phạm”.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong năm 2016, lực lượng chức năng đã xử lý 7.127 trường hợp; quý I/2017 xử lý được 1.172 trường hợp vi phạm qua hệ thống camera.
Mong rằng, với sự nỗ lực của cơ quan chức năng cùng các ban, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, hoàn thiện về mặt pháp lý và cơ chế thực hiện, những bất cập trong việc xử phạt nguội sẽ sớm được khắc phục, góp phần hạn chế các vi phạm giao thông./.