Bài 1: Nỗi lo thanh thiếu niên, học sinh vi phạm an toàn giao thông

Ngăn ngừa tình trạng thanh thiếu niên vi phạm giao thông
Thứ tư, 01/11/2023 08:00
(ĐCSVN) - Tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng...

Bài 2: Người lớn không làm gương, sao dạy được trẻ?

Bài 3: "Vắc xin" hữu hiệu ngăn ngừa sớm những điều đáng tiếc

Những vụ tai nạn giao thông đau lòng

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15 -27 tuổi.

Tại Việt Nam, những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, là một trong số ít các nước trên thế giới kéo giảm tai nạn giao thông xuống còn 1/2 trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020. Kết quả này được cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao. Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá, tai nạn giao thông ở Việt Nam còn ở mức cao, vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Theo thống kê, trong 9 tháng, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 90 vụ (-1.07%), giảm 60 người chết (-1.24%), tăng 216 người bị thương (+3.87%). 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số học sinh tử vong do tai nạn giao thông đang có dấu hiệu tăng so với năm 2022 và rất đáng báo động. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023 toàn quốc xảy ra 563 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh làm 329 em tử vong, 528 em khác bị thương. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước đã xảy ra 1.570 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh sinh viên, làm chết 864 người, bị thương 1.794 người. 

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an đánh giá đây là những con số cực kỳ đau xót: "Các em là những mầm non tương lai, là sự phát triển của xã hội, của đất nước mà bị thương như thế, tử vong như thế thì thật sự là chúng ta cần sự chung tay hơn nữa trong việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông xảy ra".

 
 Hiện trường vụ thiếu niên chạy xe phân khối lớn gây tai nạn làm thai phụ
tử vong ở Đắk Lắk. Ảnh: danviet.vn

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe. Chẳng hạn, ngày 19/5, tại km 133+600 Quốc lộ 4D, thuộc địa phận thôn Luổng Láo 2, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 học sinh tử vong.

Tại Đắc Lắk, ngày 2/7, một thiếu niên chạy xe phân khối lớn gây tai nạn khiến thai phụ tử vong. Em cũng không qua khỏi do vết thương quá nặng.

Tại Nghệ An, tối 20/9, hai xe máy chở 5 học sinh các lớp 9, 10, 11 (ở Quỳnh Lưu và Hoàng Mai) đang đi trên QL48E tông trúng nhau. Hậu quả, một em tử vong tại hiện trường, hai em được đưa đi cấp cứu.

Một vụ tai nạn giao thông đau lòng khác xảy ra tại Đắk Nông, trưa 21/9, trên tuyến ĐH15 (đoạn qua xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức) giữa xe ô tô và xe máy khiến hai em học sinh lớp 8 thương vong.

Đêm Trung thu (29/9), cú tông kinh hoàng giữa hai xe máy tại khu vực thuộc tổ 5 thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang) khiến ba gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên không thể trở về. Ba nạn nhân khác bị thương. Tất cả các cháu đều ở độ tuổi từ 13-23 tuổi.

Những mất mát do tai nạn giao thông gây ra luôn là nỗi đau, nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Càng thương tâm hơn, bi đát hơn khi nạn nhân là những học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, để lại bao dự định, ước mơ còn dang dở.

Cảnh báo tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe lạng lách, đánh võng

Một vấn đề khác nổi lên trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ đầu năm nay là tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, gây mất trật tự công cộng và đua xe trái phép tại một số địa phương diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều phương tiện, độ chế tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục tổ chức các đợt mật phục, truy bắt, xử lý hành chính và hình sự rất nhiều đối tượng nhưng vi phạm vẫn diễn ra. 

Tháng 4/2023, trên mạng xã hội lan truyền 1 clip ghi lại hình ảnh 2 đối tượng điều khiển xe mô tô bằng 1 bánh, bốc đầu trên cầu Đá Vách, hướng Hải Dương – TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) gây ảnh hưởng xấu đến bộ phận giới trẻ sử dụng mạng xã hội, gây bất bình trong xã hội… 

Qua điều tra xác minh, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt và Công an TX. Đông Triều đã xác định được 2 đối tượng xuất hiện trong clip và 3 đối tượng khác tham gia cổ vũ, quay clip phát tán lên mạng xã hội đều là học sinh trên địa bàn TX. Đông Triều. 

Cũng trong tháng 4/2023, Công an quận 12 (TP Hồ Chí Minh) khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng” đối với 15/34 đối tượng dùng xe mô tô tụ tập đua xe trên đường DN6 hướng ra quố
c lộ 1 thuộc địa bàn phường Tân Hưng Thuận, quận 12 hôm 26/3. Trong số 15 đối tượng, có 2 người là sinh viên, 5 người là học sinh phổ thông.

Còn nhiều vụ việc tương tự cũng đã được các cơ quan chức năng xử lý từ đầu năm đến nay.

Hình ảnh hai học sinh bốc đầu xe trên cầu Đá Vách, hướng Hải Dương - TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh)
 
Bên lề Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ quý IV/2023, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên tổ chức tụ tập, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, đua xe, cầm dao, cầm vũ khí thô sơ di chuyển trên đường, sau đó quay video đăng lên facebook, tiktok câu like, câu view, thậm chí có trường hợp còn quay video dạy giới trẻ cách đánh võng, nằm trên xe điều khiển mô tô.

Ông Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Tới đây, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo riêng trong thực hiện chuyên đề về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với thanh thiếu niên, trong đó nhấn mạnh tập trung đối với trẻ từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, bởi hiện nay, đây là nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông cao nhất trong nhóm học sinh, sinh viên trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi để thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, nhất là các trường hợp gây tai nạn giao thông (Ảnh: VH)

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cần tổ chức cuộc họp chuyên sâu để phân tích mổ xẻ những bất cập về tình trạng thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô gây tai nạn giao thông để từ đó kiến nghị những sửa đổi bổ sung những quy định quản lý cho phù hợp với tình hình mới.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất cấp thiết và đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban để thực hiện.

Về phía Bộ Công an, Bộ trưởng đề nghị duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề; quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi để thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, nhất là các trường hợp gây tai nạn giao thông.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của địa phương, Bộ trưởng cho rằng, các quy định pháp luật chỉ đi vào cuộc sống khi được triển khai hiệu quả tại địa phương. Do đó, các địa phương vừa tuyên truyền, vừa có các hoạt động xử lý nghiêm với hành vi giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, có hình thức xử lý phù hợp với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực