Bắt đầu từ “nếp nhà”…
Xây dựng văn hoá giao thông đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, vì để thay đổi ý thức của một thế hệ, không chỉ đơn giản là trong một tháng hay một năm, mà cần cả một quá trình dài hơi. Trong quá trình ấy, gia đình chính là cái nôi đầu tiên góp phần xây dựng con người có văn hóa khi tham gia giao thông.
Lâu nay chúng ta thường nói gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có an hòa, hạnh phúc thì xã hội mới phát triển bền vững. Gia đình có thực hiện tốt ATGT thì xã hội mới giảm thiểu được tai nạn giao thông. Vì thế, nếu không thực hiện tốt giáo dục từ gia đình, không thể hình thành văn hóa tham gia giao thông. Ông bà, cha mẹ phải thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, nhắc nhở các thành viên trong gia đình có ý thức tham gia giao thông, đặc biệt người lớn phải gương mẫu, phải có ý thức tham gia giao thông an toàn để con em noi theo. Việc giáo dục con cái tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông không chỉ để hướng các con trở thành những công dân tốt, mà hơn hết còn là để đảm bảo an toàn cho trẻ.
|
Việc giáo dục con cái nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông không chỉ để hướng các con trở thành những công dân tốt, mà hơn hết còn là để đảm bảo an toàn cho trẻ (Ảnh: QH) |
Trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, quan điểm về việc nêu gương trong quá trình xây dựng những giá trị văn hóa trong đời sống con người nói chung đã có từ xưa rồi, như các cụ nói “Giỏ nhà ai quai nhà nấy”. Chính vì vậy, trong gia đình, khi cha mẹ, ông bà nêu gương trong nhiều mặt, từ lời ăn, tiếng nói, từ việc học hành, từ việc đối nhân xử thế ... thì con cháu cũng sẽ xây dựng những giá trị tốt đẹp. Xây dựng văn hóa giao thông cũng không nằm ngoài quan điểm này.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, chủ đề Năm An toàn giao thông 2023 là "Thượng tôn pháp luật gắn với xây dựng văn hóa giao thông an toàn". Theo ông, khi chúng ta nói đến văn hóa giao thông là nói đến những giá trị mơ hồ. Thực tế, giá trị văn hóa đầu tiên, tối thiểu của công dân trong bất kỳ lĩnh vực, hoạt động nào là tuân thủ quy định pháp luật, tôn trọng pháp luật. Thượng tôn pháp luật là cơ sở đầu tiên để xây dựng văn hóa giao thông.
Tại các sự kiện, ông Khuất Việt Hùng nhiều lần nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh hãy nêu gương khi tham gia giao thông, tuyệt đối không chở con em mình khi tham gia giao thông mà vi phạm pháp luật như: không đội mũ, sử dụng rượu bia, nghe điện thoại…
|
Ông Khuất Việt Hùng nhiều lần nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh hãy nêu gương khi tham gia giao thông, tuyệt đối không chở con em mình khi tham gia giao thông mà vi phạm pháp luật như: không đội mũ, sử dụng rượu bia, nghe điện thoại… (Ảnh: KT)
|
Ông cũng nhấn mạnh, xây dựng văn hóa giao thông không chỉ đòi hỏi các bậc làm cha, làm mẹ, ông bà nêu gương thượng tôn pháp luật trong gia đình mình, trong dòng họ nhà mình. Mà còn đòi hỏi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, trong các cơ quan của Đảng, trong các đoàn thể chính trị xã hội phải nêu gương. Người giữ chức vụ càng cao, càng phải nêu gương.
“Nếu những người có chức vụ càng cao nêu gương; nếu cán bộ, đảng viên nêu gương; nếu cha mẹ, ông bà nêu gương thì chắc chắn là chúng ta sẽ xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, trong xã hội, trong từng gia đình” – ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Để xây dựng văn hóa giao thông, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn, chúng ta cần có các giải pháp mang tính tổng thể và đồng bộ. Đầu tiên là phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của văn hóa giao thông, đặc biệt là xây dựng một văn minh giao thông theo hướng phù hợp với trình độ văn hóa, phù hợp với bối cảnh xã hội.
Để làm được điều này, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần phải xuất phát ngay từ trong chính mỗi gia đình, từ hành vi làm gương của bố mẹ. Từ đó chúng ta sẽ tạo ra được những công dân tương lai có những hành vi giao thông đúng mực, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Để mỗi người là “hạt nhân đỏ” chia sẻ lan tỏa các thông điệp về ATGT ngay trong gia đình, các bậc phụ huynh cần làm gương từ những hành động nhỏ nhất như: Đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; bảo đảm đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, tập trung và chú ý quan sát khi lái xe; nêu cao ý thức nhường đường, chuyển hướng (rẽ trái, rẽ phải)… đúng quy định; rèn luyện tính kiên nhẫn, chờ đợi khi gặp đèn tín hiệu giao thông hay tắc đường; phải biết giúp đỡ người bị tai nạn giao thông...
Chỉ khi nào mọi người trong gia đình đều có ý thức và trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông, khi đó mới có thể ngăn chặn từ sớm những vụ tai nạn giao thông.
… Đến “nếp” trường
Tuyên truyền về an toàn giao thông theo hình thức “mưa dầm - thấm lâu” là giải pháp hiệu quả nhất giúp nâng cao nhận thức, từ đó góp phần thay đổi hành vi của người tham gia giao thông theo hướng tích cực. Chính vì vậy, cùng với gia đình, việc xây dựng văn hóa giao thông trong nhà trường có vai trò quan trọng, mang tính quyết định việc hình thành và duy trì văn hóa giao thông khi trưởng thành, đối với trẻ nhỏ.
|
Học sinh trường Tiểu học Phú Đô, TP Hà Nội được hướng dẫn đội mũ bảo hiểm (Ảnh: KT) |
Đồng tình với ý kiến nếu muốn xây ý thức văn hoá và ý thức văn hoá giao thông thì phải bắt đầu từ nếp nhà, PGS. TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nói thêm, không chỉ nếp nhà, mà còn cả nếp trường. Thời gian học sinh ở trường rất nhiều, từ nông thôn tới thành phố, học sinh mất ít nhất 12 năm. Sau khi học xong 12 năm bước ra làm nghề, học đại học,... thì học sinh đã có ý thức tốt về trách nhiệm khi tham gia giao thông.
Việc đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục với từng lớp, từng cấp học tạo ra sự tác động nhất định tới nhận thức, thói quen của học sinh.
Các trường đã làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, nhưng chúng ta cần tổ chức hoạt động tham gia giao thông ngay trong sân trường thật tốt, đó sẽ tạo thành thói quen. Học sinh bước chân vào trường, gửi xe cửa nào, đi vào lớp theo đường nào, đi ra theo lối nào, bố mẹ sẽ đón con ở vị trí nào,... Thực hành việc này trong suốt 12 năm sẽ hình thành nền nếp, tạo thành thói quen, ý thức văn hoá, tôn trọng, nhường nhịn, biết chia sẻ với người khác.
"Tôi cho rằng, đó là cách giáo dục văn hoá không tốn kém. Được rèn luyện và thực hành việc di chuyển trong trường học như một hành vi văn hoá thì khi bước ra xã hội, học sinh cũng mang những nền nếp thói quen đó để hình thành nên văn hoá giao thông" - PGS. TS Phạm Mạnh Hà bày tỏ.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, hiện nay công tác giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường được dành khá nhiều thời lượng. Do đó, về mặt kiến thức, thông tin mà học sinh các cấp được nhận liên quan đến quy định của pháp luật, liên quan đến hành vi, đến ý thức tham gia giao thông khá đầy đủ. Tuy nhiên, một số nội dung triển khai trong trường học còn mang tính hình thức, nhất là việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện ký cam kết giữa nhà trường với phụ huynh học sinh còn hạn chế.
“Tất cả những cam kết đều thể hiện đầy đủ cam kết giữa gia đình và nhà trường trong việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh. Tuy nhiên, tôi thấy chưa có ai đi kiểm tra và cũng không thấy ngành giáo dục giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm hay cho hiệu trưởng nhà trường” – ông Khuất Việt Hùng nói. Đồng thời cho rằng, để đưa nội dung giáo dục an toàn giao thông đi vào thực chất thì cần giám sát, kiểm tra, đánh giá, cần những bước đi cụ thể hơn nữa. “Nếu chỉ cung cấp thông tin một chiều cho các cháu, cho phụ huynh, rồi chúng ta ký bản cam kết xong không bao giờ ngó đến thì chỉ như nước đổ lá khoai” – ông nêu quan điểm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cần đưa nội dung bảo đảm TTATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ và năm học.
Tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng chức năng - nhà trường - gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về TTATGT, trong đó chú trọng công tác trao đổi thông tin về vi phạm TTATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý và giáo dục về an toàn giao thông.
Trong công tác tuyên truyền với học sinh, sinh viên cần tận dụng ưu thế, phát huy sức mạnh của mạng xã hội để phổ biến quy định của pháp luật cũng như truyền đi các thông điệp về ATGT một cách dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện
Có thể thấy, để ngăn chặn kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, đặc biệt là những vụ tai nạn nghiêm trọng thì phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để hình thành văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp học sinh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân giao xe mô tô cho người chưa đủ điều kiện điều khiển theo quy định của pháp luật.../.