Ông Trần Văn Dũng- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính (Bộ Tư pháp). Ảnh: PC
Việc gian lận, trục lợi trong lĩnh vực BHXH, BHYT có tính chất tương đối phổ biến
Tại Hội thảo khoa học “Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 11-12/10, đề cập đến các dấu hiệu pháp lý cụ thể của các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Trần Văn Dũng- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết: Hiện nay, việc gian lận, trục lợi trong lĩnh vực BHXH, BHYT có tính chất tương đối phổ biến, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người dân, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển của chính sách an sinh xã hội (ASXH), ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư của Đảng và Nhà nước.
Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập, thì việc bảo đảm sự ổn định và phát triển của chính sách ASXH, bảo vệ lực lượng lao động là một yêu cầu tất yếu. Vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm 4 tội danh liên quan đến lĩnh vực này, đó là tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215) và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ (Điều 216).
Ông Trần Văn Dũng, sự ra đời của Bộ luật Hình sự năm 2015 đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách hình sự và tư duy lập pháp hình sự của Nhà nước ta. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự, Bộ luật Hình sự quy định trách nhiệm hình sự của tổ chức- pháp nhân thương mại. Điều này đã làm thay đổi tư duy có tính truyền thống về tội phạm và hình phạt, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống các hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Vi phạm pháp luật về bảo hiểm cần có chế tài hình sự để xử lý
TS.Nguyễn Chí Công- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao) nhận định: Việc tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm không chỉ cho thấy các hành vi này có tính phổ biến và gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội, đòi hỏi phải có chế tài hình sự để xử lý, mà còn thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống ASXH. Những quy định này cùng với một loạt các đạo luật khác được Quốc hội thông qua gần đây (Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Tố tụng hình sự…) đã tạo ra nhiều cơ chế để thực thi cũng như phương thức để xử lý các hành vi vi phạm, đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Chí Công để các quy định trên của Bộ luật Hình sự được áp dụng thống nhất, đúng quy định, thì cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Cụ thể, về tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm và thực tiễn thi hành thời gian qua, có một số vấn đề cần phải hướng dẫn trong Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán liên quan đến khái niệm, tình tiết trong các điều luật, như: Gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; trốn đóng bảo hiểm; thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có tính chất chuyên nghiệp...
Nhận biết dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
Cũng tại Hội thảo, chia sẻ về dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và một số kiến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng, ông Hồ Quang Hùng- Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) cho hay: Việc quy định các tội danh là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Để làm được điều này, cần dựa trên các dấu hiệu phạm tội, đó là: Khách thể của tội phạm gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và chủ thể của tội phạm. Thứ hai, phải có đủ các các chứng cứ chứng minh tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tương ứng với các dấu hiệu trên, như: Vật chứng, tài liệu, giấy tờ; lời khai người làm chứng, lời khai của bị can và bị cáo; kết luận giám định, biên bản khám xét, khám nghiệm và các hình thức chứng cứ khác.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự, ông Hồ Quang Hùng kiến nghị: Bộ Công an cần chủ động phối hợp hoặc phối hợp tích cực với Bộ Tư pháp, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và BHXH Việt Nam, nhằm sớm ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng các điều luật quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trong lĩnh vực này. Bên cạnh 3 tội danh đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, theo ông Hồ Quang Hùng, nên bổ sung thêm quy định về xử lý hình sự đối với những hành vi phạm tội khác liên quan đến quản lý và thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thay vì vẫn cần viện dẫn các điều luật khác trong Bộ luật Hình sự để xử lý như hiện nay.
Chính phủ cần ban hành Nghị định riêng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, trên cơ sở tách bạch Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; từ đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, cho phép xử lý hiệu quả các hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường quan hệ phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong quản lý và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm thông qua việc ký và thực hiện các Quy chế phối hợp. Trong đó, BHXH Việt Nam và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cần tiếp tục duy trì nâng cao hiệu quả quy chế phối hợp mới được ký kết gần đây./.