|
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: QH |
Phát biểu tại Hội trường Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ sự đồng thuận với ý kiến của các đại biểu trước về một số vấn đề lớn cần thảo luận có liên quan đến các quy định về hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, phương án xử lý và trách nhiệm của các bên có liên quan.
Tuy nhiên cũng cần cân nhắc, xem xét bổ sung các quy định liên quan đến nội dung xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, trong đó quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội và sửa đổi, bổ sung dự thảo về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn nhằm góp phần tổ chức, thực hiện hiệu quả trong tổng thể các Luật có liên quan.
Bởi theo đại biểu, từ thực tiễn, các vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc tham gia ngăn chặn, xử lý các hành vi nêu trên đã có những quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn với chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của của người lao động khi tham gia giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Nhằm khắc phục hạn chế qua ý kiến từ cử tri cũng như thực tiễn về những vấn đề nêu trên, theo đại biểu việc xử lý tình trạng nợ bảo hiểm xã hội rất khó khăn, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Do đó, quy định như điểm c, khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về quyền công đoàn khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động cần phải được người lao động ủy quyền.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhận thấy việc ủy quyền này thực hiện theo dự thảo không khác với các tổ chức cá nhân khác như công ty luật và luật sư,… Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng đối với dự thảo Luật lần này liên quan đến vấn đề trên nếu giao cho tổ chức công đoàn được quyền khởi kiện thì có thể giải quyết được tình trạng hiện nay.
Đối với chính sách mới về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng hơn bởi người lao động được lựa chọn số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, trường hợp này người lao động có thể được xem là phải gánh trách nhiệm và thực hiện quy định này trong điều kiện khó khả thi.
“Vì vậy thay vì giao cho người lao động thì việc này nên giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ hiệu quả hơn và giúp người lao động có khả năng thực hiện quyền của mình cũng như thụ hưởng các điều kiện đảm bảo về quyền lợi cho người lao động”, đại biểu cho hay./.