Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cùng Lãnh đạo các đơn vị hai bên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp cùng Bộ LĐ-TBXH triển khai các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời hoàn thiện nhiều dự thảo văn bản, báo cáo quan trọng như: “Đề án cải cách chính sách tiền lương”, “Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” trình Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII, Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình tổ chức, hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và những vướng mắc trong tổ chức thực hiện để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời tiến tới đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ LĐ-TBXH sẽ chủ chủ trì, thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để BHXH Việt Nam cử cán bộ trực tiếp tham gia, phối hợp soạn thảo, xây dựng dự thảo Nghị định số 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đồng thời chú trọng công tác thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức chính sách BHXH, BHTN tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, năm 2018, công tác thu và phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện là:
- Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 332.006 tỷ đồng, vượt 2.032 tỷ đồng, đạt 100,62% so với kế hoạch được Chính phủ giao. Số nợ phải tính lãi 5.715 tỷ đồng, bằng 1,7% tổng số phải thu, giảm 1,2% so với năm 2017. Đây là tỷ lệ nợ thấp nhất từ trước đến nay.
- Số người tham gia BHXH 14,724 triệu người, đạt 102,27%; BHTN là 12,68 triệu người, đạt 101,1%; tham gia BHYT 83,515 triệu người người, đạt 102,3%.
Đối với công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN, năm 2018, toàn ngành giải quyết cho 119.747 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 775.860 người hưởng trợ cấp 1 lần; 9.849.930 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 763.573 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 37.960 người hưởng hỗ trợ học nghề; trên 177,6 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.
Đối với công tác chi BHXH, BHYT, BHTN, năm 2018, chi BHXH từ nguồn ngân sách là 45.756 tỷ đồng, chi BHXH từ quỹ BHXH là 155.584 tỷ đồng, chi quỹ BHTN 9.722 tỷ đồng, chi khám chữa bệnh BHYT là 99.846 tỷ đồng, trong đó tổng dự toán chi khám chữa bệnh BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 02/3/2018 là 91.139 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực tham gia, phối hợp xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật bề BHXH, BHYT, BHTN trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Nghị quyết số 125/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW; Nghị định số 143/2018/NĐ-CP về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đồng thời Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ như tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; Xây dựng, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành; Công tác thu, phát triển đổi tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và các hoạt động nghiệp vụ; Công tác thanh tra kiểm tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; Xây dựng, hoàn thiện Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Nhìn chung, trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã bám sát các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, năm 2018, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành đã được Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Giám sát của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đánh giá là có hiệu quả, được sự đồng tình, ủng hộ của doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác triển khai, thực hiện nhiệm vụ của BHXH Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH và các sở, ngành liên quan ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ; Tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp so với tiềm năng, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT tại các địa phương vẫn còn phổ biến, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH còn chậm, đặc biệt là BHXH tự nguyện; Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, đơn vị; Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT kéo dài đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật; Việc phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành về chính sách BHXH, BHYT có nơi, có lúc còn chưa thường xuyên, việc khởi tố xử lý hình sự theo Bộ Luật hình sự còn vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể.
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được thời gian qua trong việc thực hiện chế độ, chính sách, công tác mở rộng đối tượng tham gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Ngành Bảo hiểm xã hội đang gặp phải. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Bộ LĐ-TBXH sẽ sát cánh, đồng hành cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam để giải quyết các tồn đọng, khó khăn vì mục tiêu đảm bảo quyền lợi của người dân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chính sách bảo hiểm xã hội phải là công cụ đắc lực trong trụ cột an sinh xã hội. Đối với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng bước tiếp cận các vấn đề mới theo thông lệ quốc tế, tổ chức bộ máy từng bước hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn, tiếp tục bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân. Cụ thể là xây dựng kế hoạch truyền thông, công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân về chính sách an sinh xã hội, trở thành văn hóa an sinh xã hội của người dân. Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TBXH xây dựng đề án truyền thông lớn với những nhiệm vụ, công việc cụ thể đối với từng đơn vị, cán bộ nhằm tiếp cận đến từng người dân. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TBXH kiến nghị xây dựng, sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội hấp dẫn, hợp lòng dân, giải quyết những vấn đề đang tồn tại như tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cấp, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng địa phương đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hoan nghênh và đánh giá cao Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là việc đi đầu trong công công tác ứng dụng công nghệ thông tinkết nối dữ liệu nội bộ. Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phối hợp với các đơn vị liên quan để kết nối, chia sẻ, liên thông với hệ thống các cơ sở dữ liệu khác để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội./.