Cần chính sách an sinh xã hội tốt để hạn chế rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Thứ hai, 27/05/2024 20:50
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bên lề Quốc hội, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá) đã chia sẻ về vấn đề này.
 
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá). Ảnh: QH 

Theo đại biểu Mai Văn Hải, dự thảo Luật đang có 2 phương án về rút bảo hiểm 1 lần. Theo phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm, nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành.  Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Còn phương án 2 là người lao động được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

"Theo quan điểm của tôi, đây là chính sách an sinh xã hội rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động sau này. Nếu quy định để người lao động tham gia bảo hiểm được rút bảo hiểm xã hội 1 lần không quá 50% ở phương án 2 thì cần cân nhắc thêm. Bởi vì khi người lao động rút bảo hiểm thì sau này hệ luỵ rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động khi hết tuổi lao động. Cùng với đó, rút không quá 50% thì số tiền này không phải là lớn, chỉ giải quyết phần nào cho người lao động, số tiền còn lại cũng rất ít, chế độ chính sách sau này sẽ rất thấp, do đó phương án 2 sẽ không mặn mà lắm", đại biểu Mai Văn Hải nêu quan điểm.

Theo đại biểu, việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là việc làm và đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, thì người ta mới rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Đại biểu thống nhất với phương án 1 để sau này khi hết tuổi lao động, thì người lao động vẫn đảm bảo được cuộc sống tối thiểu.

Tuy nhiên, theo đại biểu, muốn thực hiện được chính sách này thì cần có những quy định thông thoáng hơn, tạo điều kiện giải quyết những khó khăn, bất cập của người lao động trước mắt. Đặc biệt, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động kịp thời khi gặp khó khăn hoặc quy định để người lao động khi gặp khó khăn sẽ được tiếp cận những chính sách ưu đãi một cách thuận tiện nhất để giải quyết khó khăn trước mắt.

"Cùng với đó, cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để người lao động học tập, chuyển đổi nghề, có rất nhiều biện pháp trước mắt, lâu dài để người lao động vượt qua khó khăn trước mắt và hướng tới những công việc ổn định hơn trong tương lai thì người lao động sẽ an tâm, hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần", đại biểu Mai Văn Hải nhấn mạnh./.

KN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực