Cân nhắc, nghiên cứu quy định mức trần tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc

Thứ sáu, 15/12/2023 16:12
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ quy định mức trần tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
 Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: QH
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, khoản 2 Điều 30 quy định: Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng thấp nhất do Chính phủ công bố và cao nhất bằng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.

Đại biểu cho rằng, quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện còn chưa phù hợp, đồng thời đề nghị nội dung này giữ nguyên quy định như tại khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, vì chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là dành cho người lao động tự do, tự tạo việc làm, nông dân tham gia. Nếu mức đóng bảo hiểm hàng năm tăng sẽ gây khó khăn cho người dân muốn tham gia hệ thống an sinh xã hội

Đại biểu đề nghị viết lại khoản 2 Điều 30 như sau: Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn và cao nhất bằng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ quy định mức trần tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng như tự nguyện quy định tại điểm e khoản 1 cũng như khoản 2 Điều 30, cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu/tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

Đại biểu cũng cho rằng, nên bỏ quy định mức trần này, vì người lao động đóng nhiều thì hưởng nhiều, vừa có lợi cho Quỹ Bảo hiểm xã hội, vừa có lựa chọn cho người tham gia bảo hiểm, vừa phù hợp với nguyên tắc bảo hiểm xã hội, mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh góp ý vào quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH tại Điều 3, thống nhất bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác. Tuy nhiên để thực hiện được quy định, đề nghị cần tính toán kỹ như phân tích của đại biểu Tô Văn Tám.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ hoặc nhóm lao động trên nền tảng công nghệ thuộc nhóm đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc.

“Hiện nay nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tài xế xe công nghệ hoặc giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng về số lượng. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nhóm đối tượng này về bản chất là tồn tại quan hệ lao động”, đại biểu nêu rõ.

 Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: QH 

Về BHXH một lần, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy dề xuất chọn phương án 1 với các lí do sau: Người lao động cho rằng đây là quyền tài sản, là quyền lợi gắn liền với quá trình lao động, cống hiến và tích lũy của cá nhân. Vì vậy, người lao động phải được quyền quyết định đối với tài sản của họ. Bất cứ điều chỉnh nào đối với chính sách này tại thời điểm hiện tại đều sẽ gây tâm lý hoang mang và người lao động chưa sẵn sàng để đón nhận. Thực tiễn đã cho thấy phản ứng quyết liệt của người lao động khu vực phía Nam đối với Điều 60 Luật BHXH năm 2014 khi Quốc hội khóa 13 thông qua, vì vậy ngay sau đó phải sửa đổi điều luật này.

Đại biểu cho biết, qua tiếp xúc xử tri, hầu hết công nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đều đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 1, và theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, đây cũng là phương án tương đối hài hòa, đảm bảo quyền được rút một lần đối với người đang tham gia đóng quỹ BHXH có thể đảm bảo ổn định quan hệ lao động khi luật có hiệu lực thi hành.

Thực tiễn cho thấy không một chính sách nào làm hài lòng được tất cả các đối tượng có liên quan. Do đó, đại biểu cho rằng, nếu muốn hạ năm đóng tối thiểu xuống 15 năm như dự thảo Luật thì đồng thời cần phải chấm dứt quy định rút bảo hiểm xã hội một lần trong tương lai.

 

Khánh Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực