Ảnh minh họa. (Nguồn: ST)
Theo BHXH Việt Nam, Quyết định số 1760/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định về quy chế làm việc của ngành, được ban hành từ năm 2012. Qua 6 năm thực hiện, Quyết định này đã phát huy tác dụng tích cực, tạo nề nếp làm việc, tăng cường công tác điều hành, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong thực hiện công vụ của công chức viên chức (CCVC) và các đơn vị trong toàn Ngành.
Tuy nhiên, vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2016/NĐ-CP về quy chế làm việc của Chính phủ, với nhiều thay đổi trong đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao tính trách nhiệm, phân công nhiệm vụ… Do đó, đòi hỏi ngành BHXH cần sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc cho phù hợp, để tăng cường hơn nữa sự công khai, minh bạch, hiện đại hóa, thực hiện nền hành chính dân chủ, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân…
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, dự thảo quy chế làm việc mới của BHXH Việt Nam (thay thế Quyết định số 1760/QĐ-BHXH) sẽ có 14 chương (tăng 3 chương so với quy chế cũ); 60 điều (tăng 13 điều so với quy chế cũ), với nhiều thay đổi như: Sửa đổi, bổ sung căn cứ pháp lý cho phù hợp; viết lại nội dung phạm vi điều chỉnh cho khái quát, đầy đủ hơn, phù hợp với Nghị định 138 của Chính phủ; sửa đổi nội dung nguyên tắc làm việc đảm bảo tính khái quát, tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; bổ sung nguyên tắc các hoạt động chỉ đạo, điều hành được thực hiện thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành để phù hợp với thực tế ứng dụng CNTT của ngành; bổ sung quy định đối với Giám đốc BHXH tỉnh; bổ sung quy định về trách nhiệm khi đi công tác, vắng mặt; sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp công dân của lãnh đạo ngành…
Việc sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của BHXH Việt Nam là một vấn đề cần bàn luận kỹ để hoàn thiện và ban hành. Các ý kiến đóng góp, chia sẻ của đại diện các đơn vị sẽ được tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo quy chế làm việc mới, dự kiến đến 1/1/2019 có thể ban hành để triển khai thực hiện./.