Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), từ ngày 1/1/2016, người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký ban đầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện được khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện khác trong phạm vi tỉnh mà không cần giấy chuyển tuyến (thông tuyến).
Đồng thời, cũng kể từ thời điểm này, người có thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh trái tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. Các quy định trên đã được thực hiện đối với người thuộc diện hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo từ ngày 1/1/2015.
Người dân đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Ảnh: Đỗ Thoa
Theo ông Phạm Lương Sơn, thông tuyến huyện được triển khai toàn diện trong năm 2016, ở hai cấp độ khác nhau. Đối với những người có thẻ bảo hiểm y tế đang đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa khu vực, hoặc bệnh viện huyện có quyền đi khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào trong 3 loại hình đó trên địa bàn tuyến tỉnh và được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.
Cấp độ 2 rộng hơn, là thông các bệnh viện huyện trên phạm vi cả nước. Đó là một trong những quy định mở rộng quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trong việc khám, chữa bệnh hưởng dịch vụ y tế ban đầu.
Qua hơn 3 tháng thực hiện, quy định về thông tuyến đã có những tác động nhất định đến người có thẻ bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh và quỹ bảo hiểm y tế. Người có thẻ bảo hiểm y tế thuận lợi hơn khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được khám, chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện.
Riêng đối với các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được khám, chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện.
Ông Phạm Lương Sơn cũng cho rằng, tác động tích cực tiếp theo có thể kể đến đó là việc quy định thông tuyến buộc các cơ sở khám chữa bệnh phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ để giữ, thu hút người bệnh và như vậy, người có thẻ bảo hiểm y tế được hưởng lợi từ việc này.
Theo báo cáo nhanh, ở Thành phố Hồ Chí Minh - khu vực rất nhạy cảm với chính sách, số lượt khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện có sự gia tăng đáng kể.
Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, quy định thông tuyến sẽ tạo nên động lực, sức ép đối với các cơ sở khám, chữa bệnh nói chung, cơ sở y tế công lập nói riêng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Bệnh viện nào có thương hiệu tốt, tinh thần, thái độ phục vụ, chất lượng khám, chữa bệnh tốt sẽ thu hút được nhiều bệnh nhân để cung cấp dịch vụ ban đầu, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân mà không phụ thuộc nhiều vào số lượng thẻ bảo hiểm y tế đăng ký ban đầu.
Thực tế đã chứng minh, nhiều bệnh viện công lập tuyến huyện đã đổi mới, bắt kịp những thay đổi trong quy định của Luật về chất lượng phục vụ, tinh thần, thái độ, đảm bảo thông thoáng, thuận tiện cho người bệnh. Khi quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ là động lực quan trọng để người dân tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện được lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, việc thông tuyến khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cũng gây ra khó khăn trong việc quản lý Quỹ bảo hiểm y tế. Cụ thể là khó quản lý tình trạng lạm dụng quỹ BHYT do phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ sở khám chữa bệnh chưa hoàn thiện nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau.
Cùng với đó, khi mở rộng thông tuyến, người bệnh không khám chữa bệnh qua tuyến xã mà lên thẳng các bệnh viện huyện, vì vậy, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến huyện sẽ khó tránh khỏi do bệnh nhân được tự do lựa chọn khám, chữa bệnh. Các bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tay nghề cao sẽ càng có nguy cơ quá tải…/.