Nỗ lực đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT

Thứ ba, 19/12/2023 20:18
(ĐCSVN) – Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, trong chặng đường 30 năm triển khai thực hiện chính sách BHYT, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, độ bao phủ tăng dần qua các năm và đảm bảo mục tiêu bao phủ toàn dân, quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại hội thảo.  

Ngày 19/12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và sửa đổi Luật BHYT.

Đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: Trong chặng đường 30 năm triển khai thực hiện chính sách BHYT, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, độ bao phủ tăng dần qua các năm và đảm bảo mục tiêu bao phủ toàn dân, quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, việc thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như: Độ bao phủ tuy rộng nhưng phát triển còn thiếu tính bền vững; Mức đóng BHYT xét về tỷ lệ/thu nhập là cao tuy nhiên vẫn còn khá thấp so với yêu cầu thực tiễn, trong khi quyền lợi liên tục được mở rộng, nâng cao cho người bệnh; Chưa đảm bảo sự hài hòa cân đối giữa năng lực của các cơ sở KCB, vẫn còn dòng người khá lớn đi KCB ở bên ngoài;… Phát sinh từ thực tiễn cho thấy còn nhiều bất cập từ luật BHYT vì vậy phải có sửa đổi, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế này.

TS Nguyễn Đức Hòa cũng chỉ rõ, sau 30 năm triển khai chính sách BHYT, hơn 15 năm tổ chức triển khai Luật BHYT tại Việt Nam đã đạt được kết quả quan như: tỷ lệ bao phủ BHYT đã tăng từ 47% dân số năm 2008 lên 74,7% năm 2015 và 92,4% năm 2022 trong lộ trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Giai đoạn 2008- 2018, trung bình mỗi năm có 132 triệu lượt KCB BHYT với tổng chi phí bình quân 47,5 nghìn tỷ đồng/năm. Từ 2019 đến nay trung bình mỗi năm có trên 155 triệu lượt KCB BHYT với tổng chi phí bình quân khoảng 100 nghìn tỷ đồng/năm. Riêng trong 2 năm 2020- 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượt và số chi KCB BHYT toàn quốc giảm so với năm 2019.Tuy nhiên số lượt KCB BHYT của 2 năm này trung bình vẫn hơn 145 triệu lượt KCB/năm. Năm 2022, số lượt KCB BHYT trên 150 triệu lượt với số chỉ KCB BHYT hơn 105 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, nguồn quỹ BHYT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chỉ tiêu cho y tế, đã chiếm 40,4% tổng chi y tế toàn xã hội năm 2018.

Có thể thấy, Luật BHYT được ban hành đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng nhanh và bền vững độ bao phủ BHYT; đảm bảo, chăm sóc sức khỏe người dân tham gia BHYT; tăng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng, dần hướng tới công bằng, hiệu quả trong CSSK cho người dân, kể cả với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo.

Mặc dù vậy, quá trình triển khai Luật BHYT thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân tại Việt Nam đã và đang gặp nhiều khó khăn thách thức. Mức đóng BHYT không thay đổi từ năm 2009 đến nay nhưng quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được điều chỉnh theo hướng mở rộng, phục vụ tốt nhất người tham gia BHYT; giá dịch vụ KCB BHYT điều chỉnh kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo giá dịch vụ; chi phí KCB BHYT không ngừng gia tăng; quỹ BHYT rơi vào tình trạng chi vượt quá thu trong năm kể từ năm 2016…  Ngoài ra, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa hiện đại hóa và cuộc cách mạng 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ, y học ngày càng phát triển, Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, mô hình bệnh tật thay đổi. “Quá trình tổ chức thực hiện Luật BHYT bộc lộ nhiều bất cập; chính sách BHYT cần thiết được điều chỉnh để giải quyết các khó khăn hiện tại, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Thêm vào đó, một số nội dung phát sinh từ thực tiễn tổ chức thực hiện cả về khung chính sách và quản lý hoạt động của ngành BHXH cần được xem là những điểm cần bàn thảo, trao đổi kỹ càng để thế chế hóa trong luật nhằm đảm bảo các nguyên tắc vận hành của quỹ BHYT nhưng vẫn đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia chính sách BHYT”, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh. 

WHO cam kết hợp tác hướng tới mục tiêu cải thiện sức khỏe người dân Việt Nam

 TS. Angela Pratt– Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 

Đánh giá cao những tiến bộ lớn trong thực hiện chính sách BHYT của Việt Nam, TS. Angela Pratt– Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực để đạt độ bao phủ BHYT đến 95% dân số vào năm 2025. Đây là tỷ lệ cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương”.

TS. Angela Pratt cũng chia sẻ: Việt Nam đang có áp lực lớn trong huy động nguồn lực KCB BHYT và đảm bảo bền vững của Quỹ BHYT, cũng như tăng cường dịch vụ ở tất cả các cấp trong hệ thống y tế. “Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh khả năng phục hồi và thích ứng của hệ thống y tế trong một thế giới không ngừng thay đổi. Từ những kinh nghiệm qua giai đoạn dich bệnh Covid-19 vừa qua, chúng ta mong rằng sẽ không phải gặp khó khăn tương tự khi tính phức tạp và những khó khăn đã bộc lộ rõ: biến đổi khí hậu, già hóa dân số… Để giải quyết những vấn đề này, đều đòi hỏi phải có nguồn lực lớn hơn, và Việt Nam cần cân nhắc nguồn lực đáp ứng các yêu cầu này trong sửa đổi Luật BHYT”.

"WHO cam kết hợp tác với BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các đối tác quan trọng khác để hướng tới mục tiêu cải thiện sức khỏe người dân Việt Nam. Để làm được như vậy, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần phải làm việc cùng nhau và được trao quyền", bà Angela Pratt

Hội thảo tham vấn chuyên gia quốc tế do BHXH Việt Nam cùng với WHO đồng tổ chức này tập trung vào một số vấn đề cụ thể: Vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ BHYT trong việc lựa chọn và ký hợp đồng với cơ sở KCB, tổ chức hệ thống giám định BHYT; Phương thức thanh toán KCB BHYT với yêu cầu cần có phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT phù hợp thực tế, cơ chế kiểm soát chi phí, hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở KCB; Xây dựng gói quyền lợi BHYT; mức đóng, trách nhiệm và căn cứ đóng của một số nước có hệ thống chính sách BHXH phát triển để đảm bảo cân đối quỹ BHYT; các tiêu chí và lộ trình điều chỉnh/bổ sung hoặc mở rộng gói quyền lợi hưởng BHYT.

Toàn cảnh hội thảo. 

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT và vai trò của cơ quan quản lý quỹ trong việc tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách BHYT; những nội dung dự kiến sửa đổi Luật BHYT lần này; cũng như kinh nghiệm quốc tế về vai trò và thẩm quyền của cơ quan quản lý quỹ BHYT (Lựa chọn và ký hợp đồng đơn vị cung ứng dịch vụ y tế; Kiểm soát chi phí dịch vụ y tế; Giám định và kiểm soát chi phí KCB BHYT; Khuyến nghị cho Việt Nam); tiêu chí và lộ trình điều chỉnh/bổ sung hoặc mở rộng gói quyền lợi hưởng BHYT (thanh toán các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh, sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị…), quyền lợi hưởng so với mức đóng BHYT và các khuyến nghị cho Việt Nam./.

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực