BHXH Hậu Giang hạng Nhất về cải cách hành chính

Thứ hai, 22/03/2021 10:40
(ĐCSVN) - Hiên nay, BHXH tỉnh Hậu Giang đã triển khai 19/27 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 6/27 TTHC, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 13/27 TTHC; tích hợp và thực hiện 15 Dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; kết nối liên thông dữ liệu với 100% cơ sở y tế để gửi dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) lên Hệ thống thông tin giám định theo quy định.

Trên cơ sở kế hoạch nhiệm vụ được giao, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc hành chính. Năm 2020, BHXH tỉnh Hậu Giang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ đảm bảo đúng quy định của BHXH Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, hướng đến sự hài lòng của người dân. Năm 2020, BHXH tỉnh Hậu Giang đạt hạng nhất trong công tác Cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, BHXH tỉnh Hậu Giang còn kịp thời thực hiện CCHC trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như: tăng cường xử lý các hồ sơ trực tuyến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc tích hợp TTHC trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đẩy mạnh giao dịch điện tử, truyền thông về sử dụng dịch vụ công trực tuyến;…

Người dân liên hệ giải quyết chế độ chính sách tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính 

Hiên nay, BHXH tỉnh Hậu Giang đã triển khai 19/27 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 6/27 TTHC, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 13/27 TTHC; tích hợp và thực hiện 15 Dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; kết nối liên thông dữ liệu với 100% cơ sở y tế để gửi dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) lên Hệ thống thông tin giám định theo quy định. 

Bên cạnh đó, 27/27 TTHC của Ngành được công bố, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan BHXH từ tỉnh đến huyện, Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của BHXH tỉnh. Đồng thời thường xuyên, kịp thời cập nhật thông tin, các văn bản nghiệp vụ trên Cổng thông tin điện tử của BHXH tỉnh để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp, người dân trong việc tra cứu, tìm hiểu. Ngoài ra, BHXH tỉnh Hậu Giang còn phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh triển khai thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC (theo nguyên tắc 4 tại chỗ) đã được công bố tại Quyết định số 2511/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh.

Việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp luôn được BHXH tỉnh Hậu Giang thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia. Đồng thời, thực hiện các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và BHXH Việt Nam. Kết quả năm 2020, ở khu vực thành thị của tỉnh Hậu Giang hiện có 801 người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM chiếm 41%, đạt 121% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao năm 2020 là 34%; thực hiện chi trả trợ cấp hưởng BHXH một lần cho 1.025 người nhận tiền qua thẻ ATM chiếm 40%, đạt 182% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao năm 2020 là 22% và chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 1.684 người nhận tiền qua thẻ ATM, chiếm 46%, đạt 230% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao 20%. Toàn tỉnh có 62.217 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức nhận tiền qua tài khoản ATM cá nhân, chiếm 96%.

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và nghiệp vụ, tính đến nay, toàn tỉnh đang ứng dụng có hiệu quả hơn 20 phần mềm nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ và quản lý điều hành. Nhờ đó, giúp hiện đại hóa công tác quản lý thu - chi, cải tiến quy trình thủ tục xét duyệt hồ sơ hưởng BHXH, giải quyết nhanh, chính xác các chế độ, chính sách, quản lý đối tượng chặt chẽ và chi trả an toàn, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. 

Trong năm 2020, ngành BHXH đã đưa vào sử dụng dịch vụ tiện ích VssID - BHXH số trên điện thoại thông minh, máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android 4.1 hoặc IOS 9.0 trở lên. Người dùng có thể truy cập vào 2 kho ứng dụng tìm kiếm với từ khóa "VssID" để tra cứu dữ liệu tham gia BHXH, BHYT, BHTN của bản thân. Qua đó sẽ được cung cấp nhiều thông tin, dịch vụ hữu ích về các chế độ BHXH, BHYT, BHTN để người sử dụng biết được quyền lợi và thụ hưởng của bản thân; thực hiện giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của người sử dụng lao động; nâng cao chất lượng phục vụ của ngành BHXH; hướng tới tích hợp tiện ích thẻ BHYT, sổ BHXH điện tử thay thế sổ và thẻ giấy; dịch vụ công; thanh toán trực tuyến;... Việc triển khai ứng dụng VssID sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Việc số hóa văn bản, tài liệu trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Ngành cũng được BHXH tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Năm 2020, ngoài văn bản mật và văn bản đặc thù xử lý bản giấy theo quy định thì 100% văn bản đi, đến BHXH tỉnh đều được tiếp nhận và phát hành điện tử trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. 

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, ngoài việc xây dựng kế hoạch CCHC hằng năm, BHXH tỉnh còn thực hiện tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; các TTHC đã được đơn giản hóa, ban hành mới. Bên cạnh đó, tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.

Có thể thấy, việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ BHXH, BHYT qua giao dịch điện tử đem lại rất nhiều thuận lợi cho cán bộ, doanh nghiệp. Khi khai nộp BHXH qua mạng, tất cả các loại hồ sơ, giấy tờ đã thực hiện đều được lưu trữ trên phần mềm của hệ thống. Nếu có nhu cầu tìm kiếm, tra cứu lại thông tin, người dùng chỉ cần đăng nhập vào hệ thống và làm theo các trình tự đã được thiết lập. Với phương thức này, các cơ quan, cá nhân, đơn vị phụ trách tham gia BHXH sẽ dễ dàng quản lý hồ sơ, đối chiếu giấy tờ khi cần thiết mà không phải tìm hồ sơ lưu trữ hay đến cơ quan bảo hiểm xã hội để nhờ cung cấp thông tin. Ngoài việc giảm tối đa thời gian giao dịch của các đơn vị sử dụng lao động và người dân với cơ quan BHXH, giao dịch BHXH điện tử còn hỗ trợ nhiều chức năng tự động thông báo lỗi, giúp hạn chế sai sót khi kê khai. Đặc biệt, có thể xem kết quả giao dịch ngay trên phần mềm giao dịch BHXH điện tử, giảm phiền hà cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động. So với việc giao dịch bằng hồ sơ giấy thì giao dịch điện tử đã đem lại tiện lợi hơn rất nhiều./.

Lê Như

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực