|
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa). (Ảnh: quochoi.vn) |
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng ngày 29/3, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết: Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã phải ra một nghị quyết bất thường cho tạm dừng Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, nhằm hạn chế người lao động rút quỹ bảo hiểm hưu trí khi đang có khả năng tham gia vào bảo hiểm xã hội, ngay sau khi ban hành và luật chưa có hiệu lực thi hành. Đây là một tiền lệ chưa bao giờ có trong lịch sử pháp luật của đất nước chúng ta. “Nhưng người lao động của chúng ta không hiểu rõ, đã phản ứng, dẫn đến một số công ty, doanh nghiệp đình công, buộc Quốc hội chúng ta phải ngồi xem xét, ra Nghị quyết số 93 năm 2015 của Quốc hội khóa XIII, về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội 1 lần”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu nhấn mạnh: Có thể nói, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội là rất nhân văn, nhằm bảo vệ cho người lao động tham gia bảo hiểm đến khi về già được hưởng lương hưu, được hưởng bảo hiểm y tế và được hưởng trợ cấp tử tuất, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nhưng do người lao động chưa hiểu rõ, nên người lao động đã yêu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Sau khi Nghị quyết số 93 của Quốc hội có hiệu lực, năm 2016 đã có hơn 600.000 người có quyết định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, sau đó tiếp tục cứ tăng lên. Vào năm 2018, có 880.000 người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần. “Trong khi năm 2020 chúng ta chỉ có khoảng hơn 1 triệu người tham gia vào hệ thống; có nghĩa là số người vào hệ thống bảo hiểm xã hội và số người ra khỏi hệ thống là gần như bằng nhau. Điều này rất đáng suy nghĩ cho hệ thống an sinh xã hội lâu dài của đất nước và rõ ràng nó dẫn đến một hệ lụy là chúng ta sẽ không thực hiện được bảo hiểm xã hội toàn dân, theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Trung ương khóa XII”, đại biểu cho hay.
Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ, đánh giá thật đầy đủ tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội 1 lần theo tinh thần Nghị quyết số 93 của Quốc hội và đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Nghị quyết số 93, để tiếp tục cho Điều 60 sống lại theo đúng tinh thần của Luật Bảo hiểm xã hội, năm 2014.
Cho ý kiến về vấn đề cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, đại biểu cho hay: Nghị quyết Trung ương số 27 đã khẳng định là chúng ta phải cải cách chính sách tiền lương lẽ ra là trong nhiệm kỳ Quốc hội này nhưng chúng ta chưa làm được. Vì chúng ta chưa có ngân sách và cũng chưa cải tiến được bảo hiểm xã hội, những người về hưu trước năm 1993, lương rất thấp.
“Nếu chúng ta cải cách được chính sách tiền lương thì xử lý được cả những người đang làm việc và cả những người nghỉ hưu. Đây là một tinh thần rất đổi mới của Nghị quyết số 27 của Trung ương. Nhưng rất tiếc chúng ta đã 4 lần lỡ hẹn với công nhân, viên chức và người lao động, chưa cải cách được chính sách tiền lương”,đại biểu cho biết.
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội khóa XV tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương, để đảm bảo tiền lương là điều kiện để thúc đẩy tăng năng suất lao động và tiền lương thể hiện giá trị của sức lao động được thể hiện bằng giá cả trên thị trường lao động.