Cần quy định du học sinh tại Việt Nam đóng bảo hiểm y tế

Thứ năm, 04/11/2021 12:59
(ĐCSVN)- Đó là đề xuất đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) khi bàn về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị sớm điều chỉnh các quy định của pháp luật để đảm bảo tương đồng, thống nhất giữa chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm khuyến khích và thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 28 đã đề ra. Khuyến khích các địa phương có cơ chế hỗ trợ thêm một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

“Qua thực tiễn của Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua, ngoài chính sách hỗ trợ của ngân sách trung ương, Hà Tĩnh đã có nghị quyết hỗ trợ thêm ngân sách của tỉnh 20% mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn tương đương với 30.800 đồng/1 tháng. Nhờ vậy đến nay số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của Hà Tĩnh là 37.500 người, tăng gấp 3 lần, tăng bằng 197% so với giai đoạn từ năm 2008 đến 2019. Như vậy chỉ chưa đầy 2 năm số lượng đã tăng lên gấp 3 lần”- đại biểu Trần Đình Gia dẫn chứng.

 Cần quy định du học sinh tại Việt Nam đóng bảo hiểm y tế. Ảnh: Hoàng Chương

Cần quy định du học sinh tại Việt Nam đóng bảo hiểm y tế

Một vấn đề nữa theo đại biểu Quốc hội, hiện nay số người lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài khá cao, riêng địa bàn Hà Tĩnh có hơn 74.000 người. Ngoài số lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại một số nước thì phần lớn chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn cụ thể các quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan để sớm thực hiện nội dung người lao động là công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Đồng thời, hiện nay khi tính chỉ tiêu độ bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, nhóm lao động trong nước vẫn tính cả đối tượng là lao động đã ký kết hợp đồng lao động, làm việc ở nước ngoài mà thực tế đối tượng này không có mặt ở địa phương. Do đó, đề nghị khi tính toán độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần loại trừ đối tượng này ra.

Cũng theo đại biểu Trần Đình Gia quy định của Luật Bảo hiểm y tế, người nước ngoài học tập tại Việt Nam nhưng không có học bổng là ngân sách nhà nước Việt Nam thì không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế tại Việt Nam. Vì các đối tượng người nước ngoài học tập tại Việt Nam theo diện tự túc không có bảo hiểm y tế, chính vì vậy, khi những đối tượng này ốm đau là rất khó khăn. Ở Hà Tĩnh thì Đại học Hà Tĩnh có rất nhiều du học sinh của Lào theo diện tự túc mà không có bảo hiểm y tế nên khi ốm đau đối tượng này rất khó khăn, dẫn đến việc thu hút học sinh nước ngoài học tại Việt Nam theo diện tự túc cũng có phần hạn chế đi.

“Ngành y tế cần có chiến lược đào tạo thẩm định viên bảo hiểm y tế để đảm bảo vừa đủ số lượng, vừa đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu hiện nay. Hiện nay công tác thanh quyết toán chi phí bảo hiểm, chữa bệnh gặp nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, đề nghị Bộ Y tế kịp thời hướng dẫn về cách tính chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh, tăng, giảm của năm quyết toán so với năm trước liền kề theo quy định tại Điều 24 Nghị định 146/2018”- đại biểu đề xuất./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực