Cần thay đổi mạnh mẽ trong chính sách để người lao động tự do được tham gia BHXH tự nguyện

Thứ hai, 22/11/2021 11:20
(ĐCSVN)- Cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để người lao động không chính thức làm công việc tự do, thu nhập bấp bênh, thu nhập không ổn định được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
 Cần thay đổi mạnh mẽ trong chính sách để người lao động tự do được tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh minh họa: TL

Đó là đề xuất của đại biểu Quốc hội - Thượng tọa Lý Minh Đức (Sóc Trăng) khi bàn về việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Theo đại biểu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng bước hoàn thiện, hướng tới mở rộng cho mọi người dân tham gia được hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Trong hệ thống an sinh xã hội thì hệ thống bảo hiểm xã hội giữ vai trò chủ chốt, bền vững nhất.

Phát triển bảo hiểm xã hội là điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2018 có những nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tiến bộ, có ý nghĩa rất lớn trong thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta, không một ai bị bỏ lại phía sau, phù hợp với các mục tiêu về an sinh xã hội trong Công ước và khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020 và năm 2021 đã khiến nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp phải có nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp giảm số lượng tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động dẫn đến quá trình đóng bảo hiểm xã hội không liên tục. Điều này làm cho số người lao động chính thức giảm và số lao động không chính thức tăng.

Trước thực trạng trên, đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức kiến nghị 4 vấn đề, một là, trong chiến lược bảo hiểm xã hội toàn dân cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để người lao động không chính thức làm công việc tự do, thu nhập bấp bênh, thu nhập không ổn định được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Hai là, phải tuyên truyền sâu rộng trên các kênh thông tin đại chúng về chiến lược bảo hiểm xã hội toàn dân.

Ba là, mặc dù năm 2020 số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng so với năm 2019. Tuy nhiên, hiện nay còn khác biệt về chế độ thụ hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng 5 chế độ, còn bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ. Cần nghiên cứu bổ sung các chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện đầy đủ như bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bốn là, nên xem xét giảm tối thiểu 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó phân theo nhóm tuổi và theo nghề bởi một số ngành nghề nặng nhọc, môi trường độc hại có thể xem xét số năm đóng ít hơn./.

Việt Lâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực