Đề nghị đánh giá kỹ tác động “siết” điều kiện nhận BHXH một lần

Thứ ba, 29/06/2021 16:25
(ĐCSVN) - Bộ Tư pháp đề nghị Bộ LĐ-TB&XH đánh giá kỹ tác động chính sách, nhất là về lộ trình giải quyết chế độ BHXH một lần, tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người lao động.

Bộ Tư pháp vừa hoàn thành báo cáo thẩm định đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trình.

Theo Bộ Tư pháp,  báo cáo đánh giá tác động chính sách của Bộ LĐ-TB&XH xác định số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm, nên đề xuất giải pháp điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.

Cụ thể, người lao động (NLĐ) chưa đến tuổi nghỉ hưu mà sau một năm không tham gia BHXH đề nghị hưởng BHXH một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng một lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng BHXH.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Trường hợp NLĐ đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, hoặc NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng hai lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng BHXH...

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng Luật BHXH năm 2014 đã quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp NLĐ được hưởng BHXH một lần. Việc ban hành Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội về sửa Điều 60 của Luật BHXH trước đây chỉ mang tính chất tạm thời, xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của NLĐ có thời gian đóng ngắn, có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt.

Bên cạnh đó, việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng BHXH một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay.

 “Để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt như trường hợp Luật BHXH năm 2014, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách, nhất là về lộ trình giải quyết chế độ BHXH một lần, tránh gây ra tâm lý hoang mang cho NLĐ. Từ đó đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả, hợp lý…”, Bộ Tư pháp nêu.

Liên quan đề xuất giảm thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm từ 20 năm xuống 15 năm để nhiều người hưởng lương hưu, Bộ Tư pháp cho rằng giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, phù hợp với tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về các chính sách BHXH. Đây là một trong những chính sách lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ và đảm bảo cân đối quỹ BHXH.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm định cho rằng nếu đóng với thời gian ngắn, mức lương hưu NLĐ nhận được thấp, có thể không đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ khi nghỉ hưu và có thể dẫn đến nguy cơ phải điều chỉnh lương hưu đối với người có lương hưu thấp trong tương lai, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách chỉ mới đưa ra các nhận xét chung chung, chưa phân tích kỹ các tác động chính sách, nhất là tác động về kinh tế - xã hội.

Mặt khác, Bộ LĐ-TB&XH chưa làm rõ tỉ lệ lương hưu tương ứng như thế nào với thời gian đã giảm dần.

“Do đó, để đảm bảo tính khả thi, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động của chính sách này…”, Bộ Tư pháp đề nghị.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số NLĐ nghỉ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm (giai đoạn 2016 - 2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%). Đáng lo ngại, trong 3 tháng đầu năm 2021, số lượng NLĐ nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh, cụ thể: Cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 có số người hưởng BHXH một lần tăng cao như: Khánh Hoà, Quảng Nam, Đà Nẵng… 

Nguyệt Ánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực