|
Đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh phát biểu tại phiên họp trực tuyến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: QH |
Đó là đề xuất của đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh tại phiên họp trực tuyến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh, đại dịch COVID-19 lần thứ tư khiến tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng. Theo số liệu thống kê của Cục Việc làm, đến nay có gần 80.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, 557.000 người bị mất việc, 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, lao động.
Trong thời gian tới, Cục Việc làm đưa ra 3 kịch bản: Tốt, bình thường, xấu cho thị trường lao động. Với kịch bản xấu nhất là đến hết năm nếu dịch COVID-19 không được đẩy lùi sẽ có khoảng 40 triệu lao động trong cả nước chịu tác động tiêu cực. Trong đó, các ngành du lịch, dịch vụ, hàng không, vận tải, khu vực phi chính thức sẽ là những ngành gặp khó khăn nhiều nhất.
Trong Báo cáo 343, ngày 26/9/2021 và 16 phụ lục đính kèm, Chính phủ cho biết số kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội chuyển sang năm 2021 gồm 3 quỹ thành phần: ốm đau, thai sản gần 12.800 tỷ đồng, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỷ đồng, quỹ hưu trí, tử tuất trên 789.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, số kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp liên tiếp tăng và ở mức cao, hiện đã lên tới gần 90.000 tỷ đồng.
“Mặc dù chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 tăng 49,3% so với 2019 song vẫn kết dư 3.600 tỷ, đây là con số làm tôi hết sức băn khoăn. Bởi vì, trong bối cảnh người lao động lẫn doanh nghiệp đang gặp khó khăn, ngân sách phải gồng gánh chi cho công tác phòng, chống dịch thì nhiều quỹ tài chính độc lập, trong đó có Quỹ bảo hiểm thất nghiệp lại có số kết dư lớn”, đại biểu phân tích.
Đại biểu Phước cũng lý giải thêm, theo báo cáo của Chính phủ trong năm 2020, bảo hiểm thất nghiệp đã giải quyết cho 1.087.480 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền 17.149 tỷ đồng, 26.507 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề với tổng số tiền 94,8 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2021 đã giải quyết hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp cho 415.000 người, trong đó 406.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 9.102 người được hỗ trợ học nghề.
Qua số liệu và thực tiễn trên, đại biểu cho biết: Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay chủ yếu tập trung giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, còn lại 3 chế độ thất nghiệp khác như hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Điều 42 cũng như hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo Điều 51 Luật Việc làm chiếm tỷ lệ thấp.
Trong khi đó, điều kiện dịch bệnh cũng như sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật thì người lao động rất cần được hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ để duy trì việc làm. Song, trên thực tế, số người và số tiền quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho hoạt động này còn thấp. Mặt khác, quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ ngắn hạn để giải quyết kịp thời một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ họ học nghề, duy trì việc làm và tìm việc làm mới.
Đại biểu cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, Luật Việc làm chưa thể sửa được ngay, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh xã hội có thể dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người lao động theo hướng: Giảm mức đóng từ 1% xuống còn 0,5% theo quy định của Luật Việc làm; dành một phần nguồn lực hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động đã tham gia đóng quỹ.
“Ví dụ, cho doanh nghiệp vay từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp với mức lãi suất 0% nên chăng cũng được tính đến. Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ tính riêng bảo hiểm thất nghiệp nếu giảm mức đóng xuống còn 0,5% thì mỗi năm doanh nghiệp và người lao động có khoảng 10.000 tỷ đồng để dành cho sản xuất, kinh doanh cũng như chăm lo đời sống của người lao động”, đại biểu phát biểu.
Song song đó, đại biểu cũng kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét tạm dừng hoặc miễn đóng đoàn phí công đoàn trước mắt từ nay đến cuối năm 2021 đối với các doanh nghiệp có 15% tổng số lao động trở lên tạm thời nghỉ việc thay vì 50% như quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục, điều kiện thời gian để người sử dụng lao động có thể được nhận hỗ trợ kinh phí, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động theo quy định tại Điều 47, 48 của Luật Việc làm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn này.
“Từ những phân tích trên, tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm để quỹ bảo hiểm thất nghiệp không bị thất nghiệp”, đại biểu kiến nghị./.