Giải pháp nào thu hồi dứt điểm tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định?

Thứ tư, 30/06/2021 20:48
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, để thu hồi dứt điểm tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định, trong thời gian tới Bộ sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Nhiều trường hợp hưởng sai trợ cấp thất nghiệp

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến tháng 7/2019 còn 14.758 trường hợp phải thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định với số tiền phải thu hồi là 71.952 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phải thu hồi là do một số người lao động chưa tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến phải thu hồi (có việc làm trong thời gian chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không thông báo theo quy định nên sau khi rà soát mới phát hiện người lao động không đáp ứng đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp hoặc thuộc trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp dẫn dến phải thu hồi).

Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác đến từ phía người sử dụng lao động, cơ quan BHXH, từ phía cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh minh họa: KT).  

Trong giải trình một số vấn đề liên quan tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 gửi Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, trên cơ sở số tiền phải thu hồi, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo địa phương thực hiện việc thu hồi. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam thì tính đến ngày 31/12/2019 còn 9.593 trường hợp phải thu hồi với tổng số tiền còn lại phải thu hồi là 48,036 tỷ đồng, chiếm 28,9% tổng số tiền phải thu hồi (tổng số tiền phải thu hồi tính đến hết năm 2019 là 166 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi được 118 tỷ đồng).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chưa thu hồi dứt điểm được số tiền cần phải thu hồi là do ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động còn hạn chế; các chế tài xử phạt về bảo hiểm thất nghiệp còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.

Hơn nữa, đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông nên rất dễ nhảy việc, thay đổi nơi ở, số điện thoại liên lạc… do đó, việc liên hệ để xác minh, thu hồi tiền hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Người lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, thu nhập không cao nên khả năng tích lũy ít, đặc biệt trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế khó khăn nhiều doanh nghiệp giảm giờ làm, cắt giảm lao động, giảm lương… nên người lao động càng khó khăn hơn trong việc nộp lại tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định.

Về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thu hồi tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ngày 29/5/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể trách nhiệm thu hồi tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp của các cơ quan.

Cụ thể, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện việc thu hồi tiền hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp do chi trả không đúng theo quyết định hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp hoặc chi trả không đúng thời hạn quy định hoặc thu bảo hiểm thất nghiệp không đúng dẫn đến việc giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp sai quy định.

Sở LĐ-TB&XH thực hiện việc thu hồi tiền hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp do giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp sai quy định hoặc ban hành và chuyển quyết định hủy hưởng trợ cấp thất nghiệp, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng thời hạn quy định.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức việc thực hiện thu hồi tiền hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp sai quy định trong trường hợp nguyên nhân dẫn đến thu hồi không phải do cơ quan thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng bộ các giải pháp thu hồi dứt điểm tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định

Để hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định dẫn đến phải thu hồi, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố đẩy mạnh tổ chức các hoạt động: kiểm tra, rà soát các trường hợp phải thu hồi tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định; tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp phải thu hồi...

Đồng thời, Bộ cũng đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, theo đó đã bổ sung quy định người lao động có việc làm thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có việc làm phải thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu không sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu số tháng đóng tương ứng với số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận để tránh tình trạng vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa có việc làm (sai phạm này chiếm khoảng 70% tổng số sai phạm dẫn đến phải thu hồi).

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, để thu hồi dứt điểm tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định, trong thời gian tới Bộ sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trước hết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện chia sẻ, kết nối dữ liệu thu, chi bảo hiểm thất nghiệp giữa ngành bảo hiểm xã hội với dữ liệu tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động – thương binh và xã hội nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp gian lận, trục lợi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, hình sự trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Tăng cường hoạt động rà soát, liên hệ, đề nghị người lao động cung cấp hồ sơ có liên quan nhằm xác minh lại các trường hợp bị thu hồi trước khi ban hành quyết định thu hồi; phân định rõ lý do thu hồi để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm nhằm răn đe, nâng cao ý thức của người lao động đối với việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo hiểm thất nghiệp trong đó chú trọng vào quyền và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; các hành vi vi phạm và chế tài xử lý nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của đối tượng được tuyên truyền.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, tự rà soát tình hình tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của ngành LĐ-TB&XH và ngành BHXH nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực