Theo đó, thời gian qua, ở các đơn vị sử dụng lao động (gọi chung là đơn vị) phá sản không đóng đủ tiền BHXH dẫn đến quyền lợi về BHXH của người lao động không được giải quyết kịp thời.
Trên cơ sở đề xuất của BHXH Việt Nam tại Công văn số 1936/BHXH-CSXH ngày 05/7/2021 về giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ BHXH; ý kiến trả lời của Bộ LĐ-TB&XH tại Công văn số 2591/LĐTBXH-BHXH ngày 09/8/2021, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động đã đủ các điều kiện bao gồm cả điều kiện về thời gian đã thực đóng vào quỹ BHXH (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng BHXH) tại các đơn vị sử dụng lao động phá sản còn nợ tiền đóng BHXH như sau:
|
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN |
1. Về chế độ thai sản đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi
Người lao động có thời gian đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng BHXH) mà đủ 6 tháng trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 hoặc 3 tháng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014, nếu đảm bảo căn cứ để xác định người lao động chưa hưởng chế độ thì cơ quan BHXH giải quyết trợ cấp thai sản theo quy định tại thời điểm người lao động sinh con, nhận nuôi con nuôi.
Khi thời gian tham gia BHXH được đóng bổ sung và làm thay đổi mức trợ cấp thì điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách (tại thời điểm người lao động đủ điều kiện hưởng) để chi trả bổ sung.
2. Về chế độ hưu trí
2.1. Cơ quan BHXH giải quyết hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi và thời gian đã đóng BHXH (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng BHXH) theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu.
Khi thời gian tham gia BHXH được đóng bổ sung thì tính cộng nối thời gian đóng BHXH để điều chỉnh lại chế độ hưu trí theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu. Đồng thời xác định số tiền chênh lệch phát sinh theo quy định của chính sách tiền lương từng thời kỳ để chi trả bổ sung cho người lao động kể từ thời điểm hưởng.
2.2. Giải quyết hưởng BHXH một lần
a) Đối với người hưởng theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014: Giải quyết hưởng BHXH một lần đối với thời gian đã đóng BHXH (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng BHXH). Khi thời gian tham gia BHXH được đóng đủ và người lao động có yêu cầu sẽ giải quyết hưởng bổ sung BHXH một lần. Việc giải quyết hưởng bổ sung BHXH một lần khi thời gian tham gia BHXH được đóng đủ thực hiện theo hướng dẫn tại điểm đ khoản này.
b) Đối với người hưởng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 mà thời gian tham gia BHXH nếu tính cả thời gian còn nợ tiền đóng BHXH vẫn chưa đủ 20 năm thì giải quyết như đối với trường hợp tại điểm a khoản này.
c) Đối với người hưởng theo Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội thì giải quyết như đối với trường hợp tại điểm a khoản này. Việc xác định người lao động sau một năm nghỉ việc để làm cơ sở xem xét điều kiện hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13, căn cứ vào thời điểm nghỉ việc cuối cùng trước khi người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần.
d) Để đảm bảo quyền lợi hưởng BHXH lâu dài cho người lao động, chưa giải quyết hưởng BHXH một lần đối với trường hợp có thời gian tham gia BHXH nếu tính cả thời gian còn nợ tiền đóng BHXH mà đủ 20 năm trở lên, trừ trường hợp quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014.
đ) Khi thời gian tham gia BHXH được đóng bổ sung đủ thì cơ quan BHXH ghi nhận và bảo lưu toàn bộ thời gian đóng BHXH bổ sung. Trường hợp người lao động tiếp tục có nguyện vọng hưởng BHXH một lần, cơ quan BHXH tính gộp thời gian đã giải quyết trước đó với thời gian đóng bổ sung để xác định lại mức hưởng mới theo quy định của Điều 63 Luật BHXH 2014 về điều chỉnh tiền lương tại thời điểm giải quyết điều chỉnh và trừ đi mức hưởng được tính lại tương ứng với thời gian hưởng đã được tính bao gồm cả thời gian đã làm tròn (nếu có) để chi trả bổ sung cho người lao động.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A có thời gian tham gia BHXH từ tháng 01/2016 đến tháng 10/2019 là 03 năm 10 tháng; trong đó đơn vị mới đóng BHXH cho ông A từ tháng 01/2016 đến tháng 7/2018, thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2019 đơn vị chưa đóng BHXH. Giả sử tháng 6/2021 ông A đề nghị hưởng BHXH một lần. Cơ quan BHXH giải quyết hưởng BHXH một lần cho ông A với thời gian đã thực đóng vào quỹ BHXH từ tháng 01/2016 đến tháng 7/2018 là 02 năm 7 tháng với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 6.000.000 đồng.
Mức hưởng BHXH một lần của ông A là:
6.000.000đ x 3 năm (làm tròn 02 năm 7 tháng) x 2 tháng = 36.000.000 đồng.
Giả sử tháng 8/2022 ông A được đóng BHXH bổ sung cho thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2019 với cùng mức lương của thời gian trước đó. Cơ quan BHXH giải quyết bổ sung BHXH một lần như sau:
- Tổng thời gian đóng BHXH của ông A là 03 năm 10 tháng, được làm tròn thành 4 năm.
- Giả sử mức bình quân tiền lương tháng tính lại tại thời điểm tháng 8/2022 là 7.000.000 đồng.
- Tổng mức hưởng BHXH một lần sau khi tính lại là:
7.000.000đ x 4 năm x 2 tháng = 56.000.000 đồng.
- Số tiền ông A được điều chỉnh hưởng bổ sung là:
56.000.000đ - (7.000.000đ x 3 năm x 2 tháng) = 14.000.000 đồng.
3. Về chế độ tử tuất
3.1. Giải quyết trợ cấp mai táng đối với thân nhân khi người lao động có từ đủ 12 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật BHXH năm 2014 hoặc có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 80 của Luật BHXH năm 2014 (thời gian đóng BHXH bắt buộc không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng BHXH).
3.2. Giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân khi người lao động có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng BHXH) theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 của Luật BHXH năm 2014, có thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà không lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần.
Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật BHXH năm 2014.
3.3. Giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần đối với thời gian thực đóng BHXH (không bao gồm thời gian nợ BHXH bắt buộc) các trường hợp sau:
a) Người lao động chưa đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật BHXH năm 2014 (tính cả thời gian còn nợ tiền đóng BHXH);
b) Người lao động có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng BHXH) mà thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần theo quy định tại khoản 3 Điều 69 của Luật BHXH năm 2014.
c) Người lao động có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên (tính cả thời gian còn nợ tiền đóng BHXH) mà thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần theo quy định tại khoản 3 Điều 69 của Luật BHXH năm 2014.
d) Người lao động có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên (tính cả thời gian còn nợ tiền đóng BHXH) mà không có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật BHXH năm 2014.
đ) Người lao động có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng BHXH) mà không có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật BHXH năm 2014.
Khi thời gian tham gia BHXH được đóng đủ thì giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần bổ sung tương tự như đối với hưởng BHXH một lần.
3.4. Để đảm bảo quyền lợi hưởng BHXH lâu dài cho người lao động, chưa giải quyết hưởng trợ cấp tuất đối với người lao động có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên (tính cả thời gian còn nợ tiền đóng BHXH), có thân nhân đủ điều kiện và đề nghị hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
4. Thủ tục thực hiện
4.1. Chế độ thai sản đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi: Thực hiện như đối với người thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi.
4.2. Chế độ hưu trí, tử tuất: Thực hiện như đối với người bảo lưu thời gian tham gia BHXH.
Các trường hợp vướng mắc khác về thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động ở các đơn vị phá sản, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam tiếp tục báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để xử lý.
BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện và kịp thời phản ánh những vướng mắc phát sinh (nếu có) về BHXH Việt Nam để nghiên cứu, hướng dẫn./.