Tại Hải Dương, dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động DN, đời sống của người dân trên địa bàn. Một số DN lớn bị tạm dừng hoạt động vào những ngày cuối tháng 5/2021 dẫn tới việc chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bị chậm.
Dù cơ quan BHXH đã khai thác mới được 263 đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với 2.098 lao động nhưng vẫn giảm so với năm 2020. Cụ thể, toàn tỉnh Hải Dương có 388.805 người tham gia BHXH (giảm 1.800 người so với năm 2020) và chiếm 36,42% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc giảm 3.414 người; BH thất nghiệp giảm 3.423 người so với năm 2020; số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 1.613 và người tham gia BHYT hộ gia đình tăng 6.574 người so với năm 2020, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT tại Hải Dương lên 88,83%.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL. |
Toàn tỉnh Hải Dương thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được 3.079.181/8.434.275 triệu đồng (đạt 36,5% kế hoạch giao) nhưng đến hết tháng 5/2021, các đơn vị trên địa bàn còn nợ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 332.454 triệu đồng (chưa bao gồm trên 41 tỷ đồng nợ khó thu, lãi khó thu); ngân sách Nhà nước chậm tiền đóng BHYT cho các đối tượng lên đến 102 tỷ đồng.
Bà Đoàn Thị Trinh - Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương cho biết, để bù cho số bắt buộc đã bị sụt giảm do dịch bệnh COVID-19, BHXH tỉnh Hải Dương xác định phải tích cực vận động người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo đó, phối hợp Sở LĐ-TB&XH tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH ban hành Kế hoạch Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Vận động triển khai BHXH toàn dân và hoạt động tuyên truyền BHXH toàn dân năm 2021… Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng bản ghi âm tuyên truyền về lợi ích BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; phát hành tờ rơi về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, tuyên truyền qua Fanpage BHXH tỉnh; đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp, nội dung công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp người lao động là nông dân, khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện…
Đồng thời, chỉ đạo, tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền về tiện ích của ứng dụng VssID- BHXH số; thành lập các Tổ để tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID tại các Sở, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, hệ thống Đại lý thu, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo nhóm nhỏ…/.