Khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH

Thứ sáu, 05/11/2021 10:33
(ĐCSVN) - Năm 2020 chậm đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan bảo hiểm xã hội có các giải pháp khá cụ thể để khắc phục tình trạng chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên kết quả chưa được như mong đợi.
 Các đại biểu thảo luận trực tuyến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: QH

Đó là ý kiến của đại biểu Đinh Công Sỹ - Sơn La tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV.

Băn khoăn về tình hình chậm đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội còn cao, đại biểu Đinh Công Sỹ - Sơn La cho biết: Nhìn tổng thể thì năm 2020 chậm đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan bảo hiểm xã hội có các giải pháp khá cụ thể để khắc phục tình trạng chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên kết quả chưa được như mong đợi.

“Rất tiếc rằng, trong báo cáo cũng chưa phân tích sâu và chỉ ra được những nguyên nhân của việc này. Theo tôi, các cơ quan tham mưu của Chính phủ cần nghiên cứu các giải pháp như việc phân định các nhóm doanh nghiệp, đơn vị chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng bởi các trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh, v.v. được hưởng các chính sách hỗ trợ hiện hành và được chậm đóng. Còn đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, kéo dài thời gian chậm đóng, có hành vi trốn đóng, cần áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính và sớm có kiến nghị, giải pháp khắc phục việc khó xử lý hình sự khi có dấu hiệu của tội phạm”, đại biểu đề xuất.

Về giải pháp lâu dài, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành thuế, kế hoạch và đầu tư cần tăng cường chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, về số lao động thực tế làm việc trong doanh nghiệp, qua đó giúp các cơ quan bảo hiểm xã hội xác định được chính xác số tiền phải thu và tránh thất thu cho bảo hiểm. Đồng thời, khắc phục được tình trạng báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát, đúng với thực trạng hoạt động của đơn vị để xem xét liệu có dấu hiệu của tội phạm, của tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự hay không.

Đại biểu cũng cho biết, số lượng người bảo hiểm xã hội một lần còn lớn trong năm qua. “Tôi cho rằng có không ít trường hợp người đóng bảo hiểm xã hội cực chẳng đã do mất việc làm, gánh nặng cuộc sống nên mới nộp hồ sơ để nhận bảo hiểm xã hội 1 lần. Tôi đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời có các chính sách hỗ trợ trong dịch bệnh, góp phần động viên người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài, tôi cho rằng cần phải có các giải pháp đồng bộ khác, không chỉ là hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mà phải có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh phục hồi trong và sau dịch bệnh để giữ chân người lao động mới là giải pháp lâu dài và bền vững”, đại biểu phân tích.

Đại biểu cũng nêu rõ: Tình trạng người lao động vì lợi ích trước mắt nhận bảo hiểm xã hội một lần hoặc lợi dụng chính sách ưu việt của bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp và thủ tục dễ dàng trong nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thì một bộ phận người lao động, ngay cả lao động có việc làm khá là ổn định, nhảy việc để nhận hưởng các chính sách này. “Với các trường hợp này, tôi cho rằng, giải pháp về tăng cường tuyên truyền của ngành bảo hiểm, lao động, doanh nghiệp và chính quyền địa phương vẫn là giải pháp lâu dài và kiên trì thực hiện”, đại biểu cho hay.

Về tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề theo chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm, đại biểu chia sẻ: Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ người được giới thiệu việc làm trên tổng số người được tư vấn giới thiệu việc làm còn thấp, mới chỉ đạt 10,31% và năm trước đó năm 2019 cũng chỉ đạt 11,29%. Qua đó cho thấy, hiệu quả công tác tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề chưa cao, còn có những bất cập.

Bởi vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ nêu rõ nguyên nhân và các giải pháp cho thời gian tới.

“Đồng thời, báo cáo của Chính phủ cũng chưa có dự báo về tình hình lao động cho giai đoạn cuối năm 2020 cho đến thời điểm hiện nay, đúng vào thời gian cao điểm của dịch bệnh, số người lao động mất việc làm trở về địa phương tăng cao. Theo đó, sẽ dẫn đến nguồn lực để tiếp nhận giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể sẽ tăng cao và khi doanh nghiệp dần ổn định sau dịch bệnh thì nguồn lực phục vụ cho tư vấn việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động quay trở lại thị trường lao động theo đó cũng có thể sẽ tăng lên. Do vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có đánh giá đầy đủ về vấn đề này”, đại biểu đề xuất.

Liên quan đến bảo hiểm y tế, đại biểu cho rằng, thực hiện việc hoàn thiện trạm y tế ở cơ sở theo Nghị quyết 68 của Quốc hội ngày 25/8/2020 thì Bộ Y tế đã khởi động và ký kết thỏa thuận triển khai dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế ở cơ sở, dự án triển khai 5 năm tại 13 tỉnh, trong có đó có tỉnh Sơn La cũng là đơn vị được thụ hưởng. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế cơ sở.

“Với dự án này, kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, đồng thời phát huy được Quỹ bảo hiểm y tế. Tôi trân trọng đề nghị Bộ Y tế và các bộ ngành hữu quan triển khai tích cực để dự án này thực hiện để sớm đi vào cuộc sống để phục vụ bà con”, đại biểu kiến nghị./.

Khánh Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực