Nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội dự báo có thể tiếp tục xu hướng gia tăng

Thứ ba, 17/08/2021 17:17
(ĐCSVN) - Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, số nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo; trong đó, đáng lưu ý là nhóm chậm đóng từ 03 năm trở lên vì chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ, riêng số nợ của nhóm này và nợ lãi chậm đóng thì đã chiếm gần 60% tổng số nợ BHXH.

Vấn đề trên được Uỷ ban Xã hội nêu trong báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 tại phiên họp thứ 2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/8.

Theo báo cáo tính đến 31/12/2020 tổng số tiền nợ đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi chậm đóng là 3.017 tỷ đồng, chiếm khoảng 26% tổng số nợ).

Ủy ban Xã hội đánh giá cao cơ quan BHXH Việt Nam đã nỗ lực thu hồi nợ, số nợ của nhóm nợ từ 05 năm trở lên năm 2020 là 2.190 tỷ đồng, giảm 1,19% so với năm 2019.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo; trong đó, đáng lưu ý là nhóm chậm đóng từ 03 năm trở lên vì chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ, riêng số nợ của nhóm này và nợ lãi chậm đóng thì đã chiếm gần 60% tổng số nợ BHXH.

Để khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động do đại dịch COVID-19, Chính phủ, các Bộ, ngành đã kịp thời ban hành các biện pháp hỗ trợ, theo đó, cơ quan BHXH đã kịp thời thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, cần phải có tính toán về hệ quả pháp lý của việc triển khai gói hỗ trợ này trong trường hợp sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng nhưng doanh nghiệp không có khả năng đóng bù, tránh tình trạng như một số tập đoàn, tổng công ty trước đây - sau khi được khoanh nợ tiền đóng BHXH nhưng đến nay vẫn chưa trả được gây khó khăn và ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH cho người lao động; khó khăn cho cơ quan thực hiện quản lý Quỹ BHXH.

Mặt khác cơ quan thẩm tra chỉ tra, tình hình chậm đóng, nợ đóng của nhóm doanh nghiệp nhà nước sau một giai đoạn có xu hướng giảm dần thì đến nay lại tăng trở lại, tăng 50,2% (tăng 388 tỷ đồng) so với năm 2019.

Trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Xã hội đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN đối với người lao động.

 Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Bùi Hùng)

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Bởi doanh nghiệp nợ BHXH, còn người lao động đóng nộp đầy đủ cho doanh nghiệp, người lao động không nợ BHXH. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, vấn đề này không xử lý được đã ảnh hưởng đến quyền thụ hưởng của nhiều lao động (thất nghiệp không được hưởng, ốm đau, thai sản hay nghỉ hưu). Bộ LĐ-TB&XH cần có báo cáo thêm về những vướng mắc này, có thể xử lý như ngành thuế, có thể khoanh lại nợ, doanh nghiệp không còn hoạt động, chủ bỏ trốn… có giải pháp gì?.

Kết luận phiên họp, về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải nghiên cứu rà soát có đánh giá đầy đủ, làm rõ nguyên nhân nợ, xác định được đối tượng cả người sử dụng lao động và người lao động có liên quan nhất là đối với các nhóm đối tượng có sử dụng ngân sách nhà nước để có đề xuất giải pháp phù hợp giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; Về việc thanh tra, kiểm tra cần phải đẩy mạnh và đổi mới phương thức hơn nữa không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp …./.

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực