|
Đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn |
Đó là đề xuất của đại biểu Quốc hội Đinh Văn Thê (Gia Lai). Cũng theo đại biểu trong bối cảnh năm 2020, nền kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội chịu nhiều tác động của đại dịch COVID, những kết quả chủ yếu, căn bản của bảo hiểm xã hội đã thể hiện rõ được sự nỗ lực rất lớn, nhất là sự cố gắng duy trì và phát triển đối tượng. Việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có nhiều khó khăn, song phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được đẩy mạnh và thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra hơn hai lần.
Số thu bảo đảm được đối với các Quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Về số nợ tăng so với năm 2019, song chủ yếu là do khó khăn vì tác động của đại dịch COVID và vẫn duy trì ở mức thấp so với tổng thu. Công tác thanh tra, kiểm tra giảm đáng kể, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 song vẫn bảo đảm thực hiện và phát huy vai trò để cố gắng góp phần vào việc phát hiện và xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, đóng góp vào những kết quả tích cực đã đạt được.
Công tác chi cơ bản thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm về các chế độ cụ thể, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch COVID. Một trong những điểm nổi bật của ngành bảo hiểm xã hội là thực hiện cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin đã luôn duy trì vị trí dẫn đầu trong khối cơ quan của Chính phủ, giúp tạo thuận lợi cho các bên tham gia.
Tốc độ tăng thu có xu hướng giảm so với những năm trước
Đại biểu Đinh Văn Thê thẳng thắn chỉ rõ một số mặt hạn chế cần quan tâm chỉ đạo, thứ nhất là, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội không đạt kế hoạch đề ra. Và nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 còn khó khăn, kinh tế phục hồi không như mong muốn thì để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 28 cần nỗ lực rất lớn và dự báo là khó khăn.
Thứ hai là, tốc độ tăng thu có xu hướng giảm so với những năm trước. Tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội cũng chỉ tăng tương ứng với mức điều chỉnh tiền lương hàng năm. Từ thực tiễn của địa phương cũng cho thấy, tổng số doanh nghiệp thì nhiều nhưng số doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội không lớn. Mức lương đóng để bảo hiểm xã hội cũng không cao.
Thứ ba là, quỹ bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu chi cho chế độ trợ cấp, còn hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề không thực hiện được.
Thứ tư là, số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần cao hơn gấp đôi số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm cho thấy làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác phát triển đối tượng và diện bao phủ, nhất là về lâu về dài thì sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động.
Cần tăng kinh phí tuyên truyền cho người lao động thiểu số
Từ ý kiến trên và thực tiễn địa phương, đại biểu kiến nghị với Chính phủ, đó là với địa bàn rộng như Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trong công tác quản lý cần tăng kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động người lao động, nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bố trí biên chế ngành bảo hiểm xã hội không chỉ căn cứ vào số lượng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội mà còn nên căn cứ vào đặc điểm địa lý, số lượng doanh nghiệp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo việc phát triển tương đối và các đối tượng cho phù hợp; Sớm trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để đáp ứng với tình hình mới và việc thực hiện cải cách bảo hiểm xã hội./.