Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Thứ sáu, 09/07/2021 09:25
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh dịch bệnh, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thực sự phát huy được chức năng của mình, giúp người lao động đảm bảo, duy trì cuộc sống… Thế nhưng, việc thực hiện chính sách đang bộc lộ không ít vướng mắc, bất cập cần sớm được tháo gỡ để hỗ trợ người lao động hiệu quả hơn.

Bất cập trong thực hiện chính sách BHTN

Chính sách BHTN là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội được triển khai từ năm 2009. Với tính ưu việt của chính sách BHTN, tỷ lệ lao động tham gia loại hình bảo hiểm này ngày càng tăng.

Theo thống kê, năm 2020 số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 13,3 triệu người. Tổng số chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trong năm 2020 là 18.852 tỷ đồng, tăng 49,2% (tương đương 6.217 tỷ đồng) so với năm 2019.

Ảnh minh họa (Nguồn: DD) 

Đặc biệt, có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh, chính sách BHTN thực sự phát huy được chức năng của mình, giúp người lao động đảm bảo, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động và giảm gánh nặng cho NSNN vì không phải cấp một khoản kinh phí để hỗ trợ cho đối tượng này.

Tuy nhiên theo BHXH Việt Nam việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, quy định đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, cán bộ, công chức và mức tiền lương tối đa làm căn cứ đóng giữa BHXH bắt buộc và BHTN không đồng nhất dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đối tượng tham gia và theo dõi thu BHXH, BHTN đối với đơn vị sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp còn chưa chặt chẽ, chưa phản ánh đúng bản chất của thất nghiệp; quy định về việc thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm còn chưa cụ thể, dẫn đến việc thực hiện còn mang tính hình thức. Điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động còn chưa phù hợp với tình hình thực tế dẫn đến sau 4 năm triển khai Luật Việc làm đến nay vẫn chưa có đơn vị sử dụng lao động nào nộp hồ sơ đề nghị và được thụ hưởng chế độ này.

Ngoài ra, việc quy định cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp dẫn đến tình trạng người lao động cứ đóng đủ 12 tháng chủ động nghỉ việc để hưởng hết trợ cấp thất nghiệp, sau đó chuyển công việc khác dẫn đến nhiều sự biến động  lao động tại các đơn vị, đặc biệt là lao động phổ thông gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Đề xuất sửa điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp để tránh lợi dụng chính sách

Trước những thực tế trên, cơ quan bảo hiểm xã hội đề xuất sửa Luật Việc làm theo định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Theo đó, tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHTN, bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên. Đồng thời, quy định cụ thể và có danh mục các khoản bổ sung khác làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, BHTN.

Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đề nghị sửa đổi điều kiện về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo hướng các trường hợp chủ động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp cho phù hợp bản chất của BHTN, đảm bảo đúng quy định tại Luật Việc làm, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng chính sách thông qua việc chủ động nghỉ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cùng với đó, sửa điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo hướng hỗ trợ kinh phí để đơn vị tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đối với người lao động có nguy cơ mất việc làm và cam kết ký hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên với người lao động sau khi được đào tạo và giảm thiểu các điều kiện hỗ trợ để chính sách BHTN chủ động trong hạn chế nguy cơ thất nghiệp.

Sửa đổi quy định hưởng và chi trả trợ cấp thất nghiệp theo hướng tháng hưởng trợ cấp thấp nghiệp là tháng liền kề sau thời điểm có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thay cho việc hưởng và nhận chi trả trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận được quyết định như hiện nay.

Theo BHXH Việt Nam, việc sửa đổi quy định này sẽ đảm bảo cho cơ quan BHXH và cơ quan giải quyết chế độ BHTN chủ động trong việc tiếp nhận thông tin khai báo việc làm, quản lý đối tượng, luân chuyển các quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp giữa hai cơ quan để thực hiện chi trả kịp thời, hạn chế tối đa phát sinh phải thu hồi (do cơ quan BHXH đã chi trả rồi mới nhận được các quyết định hủy hưởng, tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do ngành lao động chuyển sang), thuận tiện cho việc quản lý chi trả cũng như thanh quyết toán với bưu điện.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cũng cho biết, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách BHTN, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về BHTN đặc biệt là các gói hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người lao động nhằm đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Được biết, theo lộ trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Việc làm sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 11/2023) và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024)./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực