Bên cạnh đó, tổng số nợ của toàn Ngành hiện 24.921 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,24% so với số phải thu (so với cùng kỳ năm 2020, số tiền nợ tăng 2.593 tỷ đồng, tỷ lệ nợ so với số phải thu tăng 0,94%)…
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL |
Lý giải số người tham gia vào hệ thống BHXH giảm, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu- sổ thẻ cho biết, công tác thu, phát triển đối tượng trong tháng 8/2021 giảm sâu so với tháng trước chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng như các chính sách liên quan của nhà nước nhất (do quy định về BHYT và điều chỉnh giảm nghèo). Theo tính toán của ban Thu, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến như thế này, ước số lao động giảm năm 2021 khoảng 2,8 triệu người; chấm dứt Hơp đồng lao động hơn 800.000; tạm hoãn 326.000, nghỉ việc không lương 1,4 triệu người và ngừng việc khoảng 314.000 người. Điều này ảnh hưởng lớn đến phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của ngành BHXH Việt Nam.
Mặt khác, theo ông Dương Văn Hào công tác chỉ đạo điều hành cũng như các giải pháp về phát triển BHXH của BHXH Việt Nam rất cụ thể, nhưng việc triển khai của các địa phương khác nhau; có nhiều địa phương không ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh song việc chỉ đạo không hiệu quả. “Trong số hơn 1,3 triệu lao động tham gia BHXH giảm thì tập trung tại 19 tỉnh phía Nam chiếm hơn 94% (1,098 triệu lao động) so với lao động giảm, đặc biệt 3 tỉnh chiếm trên 30% so với tổng số lao động tham gia BHXH của cả nước là là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai”- ông Hào khẳng định.
Về công tác thu, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhận định, qua nắm bắt cho thấy có nhiều địa phương không ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng công tác tổ chức thu, phát triển BHXH kém thậm chí đối tượng tham gia còn giảm. Đặc biệt với hơn 1,3 triệu lao động giảm thì có khoảng 50% số này chấm dứt Hợp đồng lao động sẽ quay về địa phương cư trú và không quay trở lại làm việc nên các địa phương có giải pháp vận động họ tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, Ban Quản lý Thu- sổ thẻ cũng như các địa phương phải có kịch bản, khảo sát nắm bắt tại địa phương để đưa ra số liệu và có phương án cụ thể. Đặc biệt, tăng cường giám sát gián tiếp qua địa phương để có giải pháp xử lý đơn vị cố tình nợ BHXH...
BHXH các địa phương luôn trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị mọi phương án
Đánh giá về kết quả của Ngành trong thời gian qua, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, dù phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ, nhưng với sự nỗ lực của mình, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được thành quả hoàn toàn xứng đáng. Trong đó, công tác hỗ trợ DN và NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời. Điều này thể hiện từ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị đến nỗ lực của từng CBVC trong những ngày giãn cách đã cho thấy được tinh thần đoàn kết, chung tay cùng đất nước phòng chống dịch bệnh.
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn những tháng cuối năm, Tổng Giám đốc khẳng định, dịch COVID-19 gây ra rất nhiều khó khăn, thiệt hại đối với kinh tế xã hội đất nước, trong đó có ngành BHXH Việt Nam. Lúc này, phòng chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số một, song việc dự kiến các kịch bản, giải pháp để có thể sẵn sàng tăng tốc và bứt phá hoàn thành nhiệm vụ sau khi dịch bệnh được khống chế cũng rất cần thiết. Do đó, các đơn vị, BHXH các địa phương cần luôn trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị mọi phương án.
Tổng Giám đốc nhấn mạnh, hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu của cả năm 2021 là rất thách thức, nhưng cơ hội của 4 tháng cuối năm chưa hẳn là không có, nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội thì sẽ có được thành quả. Đơn cử, dù các chỉ tiêu phát triển BHXH bắt buộc nhưng nhờ tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả nên “điểm sáng” về phát triển BHXH tự nguyện. Trong điều kiện khó khăn như vậy, người dân đã hiểu được ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện nên số người tham gia đã tăng 360.000 người so với cùng 2020 và so với cả năm 2020 tăng 40.000 người- thể hiện kịch bản của chúng ta đúng và trúng.
Về công tác thu, phát triển đối tượng, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị bám sát kế hoạch phát truyền thông trong 4 tháng cuối năm, cụ thể hoá thành cẩm nang và xay dựng thành những kịch bản để tuyên truyền sâu rộng. Dịch bệnh có thể thay đổi theo từng tuần, nên có những dự báo chính xác để công tác chỉ đạo điều hành được đúng và trúng. Mặt khác, cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thanh toán BHYT đối với các cơ sở y tế phi truyền thống. Đặc biệt, tăng cường kỷ cương kỷ luật và trách nhiệm người đứng đầu, nhất là thái độ phục vụ người dân, NLĐ trong giai đoạn hiện nay.../.