Tuyên truyền để người lao động chấp hành và thấy được quyền lợi tham gia BHXH

Thứ năm, 09/12/2021 11:08
(ĐCSVN) – Về việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cần phải có biện pháp mạnh hơn, nghiêm khắc hơn trong việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền để người sử dụng lao động phải chấp hành quy định của pháp luật, để người lao động thấy được quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Các đại biểu tham dự tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: Thủy Thanh 

Đó là đề xuất của đại biểu Nguyễn Duy Minh - TP Đà Nẵng tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa XV.

Cho ý kiến về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết năm 2020, đại biểu Nguyễn Duy Minh - TP Đà Nẵng  cho rằng: Tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng 2,6% so với năm 2019, nhưng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 15 triệu người, giảm 1% so với năm 2019.

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 13 triệu người, giảm 1% so với năm 2019. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động năm 2020 là 48,3 triệu người. Điều này cho thấy việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn dưới mức tiềm năng và chưa vững chắc, vì năm 2020 có hơn 800.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 52.000 người so với năm 2019.

“Đồng thời còn chưa phù hợp với nội hàm của loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người sử dụng lao động và người lao động phải tham gia như là một hành trang không thể thiếu khi tham gia thị trường lao động”, đại biểu cho biết

Về vấn đề này, đại biểu  đề nghị phải có biện pháp mạnh hơn, nghiêm khắc hơn trong việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền để người sử dụng lao động phải chấp hành quy định của pháp luật, để người lao động phải thấy được quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội. Nghiên cứu sớm sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ từ 20 năm xuống 15 năm, tiến đến còn 10 năm như theo Nghị quyết 28 đã đề ra.

Đồng thời, ghiên cứu có gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng phù hợp, nhất là đối với công nhân lao động. Bởi theo đại biểu, trong thực tế, công nhân lao động thường làm việc trong một khoảng thời gian ngắn, khoảng tầm 5 năm đến 10 năm, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như về quê, chuyển đổi ngành nghề hoặc gặp khó khăn về tài chính nên không thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, dẫn đến tình trạng bán sổ bảo hiểm xã hội như những năm qua và việc này cũng hạn chế việc gia tăng tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Đặc biệt đại biểu kiến nghị, cần có hướng dẫn để giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động ở các tỉnh phía Nam về quê trong thời gian vừa qua. “Khi họ quay lại làm việc thì thời gian tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội phải xác định như thế nào và có thông tin tuyên truyền cụ thể, hạn chế tối đa các thủ tục để người tham gia bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng về quyền lợi của mình, tránh nguy cơ bị lôi kéo, kích động vì số lượng người bị ảnh hưởng là rất lớn”, đại biểu phân tích.

Về việc khắc phục nợ đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu nêu rõ: Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội còn kéo dài và chậm được giải quyết, như đã thể hiện trong báo cáo, việc này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội. “Tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai có hiệu quả hơn các giải pháp đã đề ra. Trong thực tế, ở một số địa phương khi gắn các biện pháp thu bảo hiểm xã hội với các phương thức giao dịch khác như là nộp thuế, quyết toán thuế, xuất nhập khẩu hàng hóa, vay vốn, hay đề xuất thi đua, khen thưởng thì việc khắc phục nợ đóng bảo hiểm xã hội tích cực hơn”, đại biểu phân tích.

Cho ý kiến về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, đại biểu đề nghị có đánh giá kết quả thực hiện việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, như năm 2020 là Quyết định 15 và sau đó là Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Năm 2021 là Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, từ đó làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách hỗ trợ tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sử dụng tiền lãi từ đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội, như trong năm 2020 là hơn 47.000 tỷ đồng để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động được mua hoặc thuê. Điều này phù hợp với mục tiêu và có hiệu quả xã hội lớn.

“Ở góc độ của người sử dụng lao động và người lao động họ thấy rất cần thiết và mong muốn cả về trước mắt và lâu dài, họ cũng thấy được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội, góp phần củng cố niềm tin và tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Ở góc độ của nhà nước, nguồn quỹ ngoài ngân sách nhà nước nên cũng làm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay”, đại biểu cho biết.

Khánh Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực