|
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều 27/10. Ảnh: QH |
Đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ đã trình tại kỳ họp về chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) quản lý và sử dụng Quỹ BHXH và Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020, đại biểu Phước cho biết: Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là ngành BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT trên phạm vi cả nước, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của đất nước ta trong thời gian qua.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên việc trích nộp BHXH, BHYT cho người lao động chậm, để nợ đọng kéo dài. “Bên cạnh đó, mức thu nhập của nhân dân còn thấp, không ổn định nên việc vận động người dân tham gia BHXH, BHYT còn gặp nhiều khó khăn. Chi phí khám, chữa bệnh BHYT vượt quỹ, vượt trần và vượt dự toán vẫn còn xảy ra. Tình trạng gian lận, lạm dụng Quỹ BHYT, lợi dụng thông tuyến để cạnh tranh thu dung bệnh nhân chỉ định nhập viện kéo dài ngày điều trị, chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật thuốc, v.v. quá mức cần thiết, gây lãng phí và gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Việc này có thể nói rằng nhiều nơi còn xảy ra trong thời gian vừa qua”, đại biểu cho biết.
Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét đối với chính sách BHXH, theo quy định hiện hành, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và người tham gia bảo BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất.
“Đề nghị sửa đổi, bổ sung chính sách đóng và hưởng chế độ BHXH cho cán bộ không chuyên trách cấp xã và người tham gia BHXH tự nguyện từ 2 chế độ lên 5 chế độ, để những nhóm đối tượng này được hưởng đầy đủ các quyền lợi của chính sách BHXH hiện nay. Bởi vì hiện nay đối với các đối tượng này lại không được hưởng đầy đủ 5 chính sách BHXH”, đại biểu đề xuất.
Cũng theo đại biểu Dương Văn Phước, điều kiện và hình thức hưởng chế độ tử tuất của người tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc cần quy định giống nhau. Theo quy định hiện hành, người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên, khi đến chết thân nhân mới được hưởng trợ cấp mai táng và hưởng trợ cấp tuất một lần. Trong khi đó, người tham gia BHXH bắt buộc chỉ quy định từ đủ 12 tháng trở lên và được trợ cấp tuất một lần và hàng tháng. “Điều này rất bất hợp lý, chưa động viên được sự tự nguyện tham gia BHXH”, đại biểu nêu rõ
Theo đó, đại biểu đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm có hướng dẫn việc thực hiện giải quyết chế độ BHXH cho người lao động trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH do chủ sử dụng lao động bỏ trốn hoặc làm ăn không hiệu quả nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu Quốc hội, Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý, phân biệt những trường hợp nào là chốn đóng, trường hợp nào chậm nộp. Đồng thời, phải có chế tài mạnh để xử lý nghiêm minh đối với các đơn vị sử dụng lao động hoặc chậm đóng BHXH.
Về BHYT, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian được hưởng chính sách BHXH từ 3 đến 5 năm đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới để tiếp tục động viên nhân dân thực hiện chính sách này.
Đại biểu phân tích chính sách BHYT quy định cho học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và được nhà nước hỗ trợ 30% mức phí. Trong khi đó, nếu tham gia mua BHXH theo hộ gia đình thì từ người thứ ba, thứ tư, thứ năm trở đi, mức phí giảm tương ứng là 30%-40%-50% dẫn đến việc so sánh giữa học sinh và đóng theo hộ gia đình thì đóng theo học sinh cao hơn đóng theo hộ gia đình. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh nội dung này cho hợp lý với thực tiễn hiện nay./.