Ảnh minh họa. Nguồn: TL
Theo quy trình mới, việc cấp thẻ BHYT được giao trực tiếp cho 3 cơ quan thực hiện, gồm: UBND cấp xã, Phòng LĐ-TB&XH và BHXH cấp huyện. Căn cứ quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo của Chủ tịch UBND xã, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các thành viên chưa tham gia BHYT để lập danh sách người chỉ tham gia BHYT theo Mẫu D03-TS theo từng nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo và người chạy thận nhân tạo thuộc hộ nghèo đa chiều. Phòng LĐ-TB&XH. Phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, ký xác nhận và lập hồ sơ gửi BHXH huyện. Sau đó, cơ quan BHXH tổ chức in và chuyển giao thẻ cho Phòng LĐ-TB&XH để cấp cho người dân…
Quy trình cũng quy định rõ trách nhiệm lập dự toán và thanh toán kinh phí mua thẻ BHYT hàng năm với các cơ quan liên quan. Cụ thể gồm: Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Tài chính- Kế hoạch của huyện và Sở Y tế.
Để thực hiện hiệu quả quy trình cấp thẻ BHYT, UBND TP.HCM giao Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định pháp luật về cấp thẻ BHYT cho đối tượng trên địa bàn. Tổng hợp báo cáo định kỳ cho UBND Thành phố về tình hình cấp, mua thẻ BHYT…
BHXH TP HCM có trách nhiệm phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các sở, ngành chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát việc cấp, mua thẻ BHYT cho đối tượng tại quận, huyện.
Đối với UBND các quận, huyện phải chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH, UBND cấp xã phối hợp với BHXH thực hiện cấp thẻ BHYT cho đối tượng theo quy trình. Ủy quyền cho Phòng LĐ-TB&XH ký hợp đồng với BHXH huyện về việc mua BHYT cho đối tượng thuộc chương trình giảm nghèo bền vững của quận, huyện…
UBND các xã, phường hàng tháng có trách nhiệm rà soát tăng, giảm đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn gửi Phòng LĐ-TB&XH đúng thời hạn./.