Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Quyết định 838 hướng dẫn về quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN bao gồm: đăng ký tham gia giao dịch điện tử; đăng ký tham gia BHXH, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Nghị định số 166/2016/NĐ-CP.
Quy trình cũng quy định cụ thể cách lập và gửi hồ sơ điện tử và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử; nhiệm vụ của cơ quan BHXH trong đó quy định cụ thể tới các phòng/tổ nghiệp vụ, trách nhiệm của lãnh đạo BHXH tỉnh/huyện trong việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ khi giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Điểm đáng chú ý là bắt đầu từ ngày 1/7/2017, phạm vi áp dụng giao dịch điện tử sẽ được mở rộng đối với thủ tục giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN; giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Đồng thời, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức (cơ quan BHXH; tổ chức I-VAN; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Trung tâm dịch vụ việc làm; cơ quan bưu điện; đơn vị sử dụng lao động,..).
Ngoài ra, Quy trình còn áp dụng đối với các cá nhân lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử hoặc cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Việc quy định đối tượng áp dụng đối với cá nhân sẽ tạo điều kiện cho người lao động, thân nhân người lao động thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết các chế độ BHXH, BHYT và BHTN.
Việc triển khai giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính của Chính phủ./.