Triển khai hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong quá trình triển khai, tỉnh đã tổ chức trên 20 lớp truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thu hút gần 5.000 lượt người tham gia. Qua tuyên truyền, đồng bào dân tộc được trang bị những kiến thức cơ bản về chính sách pháp luật cũng như các kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và bình đẳng giới. Tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới, từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vị thể của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Năm 2018 – 2019, Ban Dân tộc đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố Long Khánh và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức 41 lớp tuyên truyền về Luật bình đẳng giới cho hơn 3.900 lượt người tham dự. Năm 2020, Ban Dân tộc phối hợp với UBND các huyện, thành phố Long Khánh và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với 2.618 lượt người tham dự, đạt tỉ lệ 96% so với kế hoạch đã đề ra.
Việc in tờ rơi, pano, áp phích, tranh cổ động, tuyên truyền trên báo chí cũng được thực hiện với nội dung tuyên truyền về vai trò của phụ nữ trong gia đình, biểu dương những tấm gương phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của phụ nữ trong việc chăm lo hạnh phúc gia đình, giữ gìn và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, động viên phụ nữ tích cực tham gia công tác xã hội, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, tiếp thu những tiến bộ về khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình; tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình đặc biệt là hạn chế tình trạng bạo lực gia đình ở phụ nữ.
Tích cực thực hiện các tin, bài viết, phóng sự trên Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai, Đài truyền thanh huyện về các mô hình phòng chống bạo lực, gương người tốt – việc tốt, gia đình văn hóa. Xây dựng các chuyên trang trên Báo Đồng Nai, báo Lao động Đồng Nai, website, tập san của các sở, ngành, địa phương các nội dung liên quan đến bình đẳng giới, phong trào “Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình văn hóa”,… với số lượng trên 30 tin bài; Xây dựng góc tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục tiền hôn nhân (Trang Thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); In 5000 tờ rơi về phòng, chống bạo lực gia đình trang bị cho cơ sở về chủ đề “Gia đình – nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình”, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” chào mừng Ngày gia đình Việt Nam và hoạt động truyền thông trong Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Tháng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11 – 15/12/2018).
Ngoài ra, (giai đoạn 2018 – 2020), Ban Dân tộc phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Hội luật gia tỉnh và UBND các huyện, thành phố Long Khánh tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các ấp, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh, trong đó có lồng ghép các nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới (Luật bình đẳng giới, Phòng, chống bạo lực gia đình) cho 19.263 lượt đồng bào dân tộc thiểu số tại 168 điểm trên địa bàn các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, thành phố Long Khánh và học sinh các Trường Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Tâm lý giáo dục Đồng Nai và một số chuyên gia tư vấn từ thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến Luật bình đẳng giới cho giáo viên và học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh, mỗi năm có ít nhất 18 lớp tập huấn với 1.800 người tham gia. Tổ chức truyền thông phổ biến chính sách pháp luật về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe vị thành niên cấp tỉnh, mời các chuyên gia nói chuyện cho khoảng trên 10.000 học sinh ở các khu vực huyện Tân phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ (trong đó có giáo viên và học sinh là người dân tộc thiểu số); Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh thực hiện Đề án 938/CP “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027”, tổ chức lồng ghép chủ đề năm của Đề án là “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em” gắn với các hoạt động của chủ đề công tác Hội năm 2019 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” biên soạn 1.000 cuốn “Cẩm nang kiến thức và kỹ năng cha mẹ bảo vệ an toàn cho con” và 2.300 cuốn tài liệu “Hỏi đáp kiến thức pháp luật về Hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới” cấp cho cơ sở làm tài liệu sinh hoạt cho cán bộ, hội viên phụ nữ ở vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với hình thức lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền thông qua tờ rơi, pano, áp phích, tranh cổ động, trên báo đài, chú trọng lồng ghép nội dung của đề án dưới các hình thức viết tin, bài viết, phóng sự, liên quan, giao lưu, hội thi… tuyên truyền về vai trò của phụ nữ trong gia đình, biểu dương những tấm gương phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Tổ chức hơn 15 hội thi, liên quan, giao lưu,… 31 chương trình giải trí trên Đài PT-TH Đồng Nai về lĩnh vực gia đình, tuyên truyền hơn 30 chuyên trang, chuyên mục trên Báo Đồng Nai, phóng sự trên Đài PT-TH Đồng Nai, làm mới và thay đổi nội dung 42 pano, in và phát hành 3.000 tờ rơi, tuyên truyền hơn 300 tin, bài trên trang thông tin điện tử, tập san về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo trợ xã hội và công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Sở Lao động Thương binh và Xã hội lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền thông qua các hình thức: In ấn tờ rơi, pano, áp phích, thực hiện phóng sự trên báo, đài, tổ chức các cuộc thi viết, thi sân khẩu hóa...; tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” để tuyên truyền về phòng, chống baọ lực gia đình, bạo lực giới, các quyền bình đẳng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đời sống gia đình...
|
Đồng bào dân tộc thiểu số dự tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới tại UBND xã Phú Bình, huyện Tân Phú |
1.567 phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức
Toàn tỉnh tổ chức 11 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng nuôi con theo khoa học, nâng cao thể lực, tầm vóc trẻ em cho 1.567 phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giúp trẻ em ngày càng được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn, góp phần nâng cao tầm vóc, phát triển toàn diện, giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng. Qua tập huấn, các học viên đã thu nhận được những kiến thức cơ bản về nuôi con theo khoa học cũng như các kỹ năng làm mẹ, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, thai kỳ, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo đủ các nhóm chất giúp trẻ phát triển toàn diện; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho gần 1.000 cán bộ các sở, ngành, địa phương và người làm công tác bình đẳng giới ở các khu, ấp; 39 lớp tập huấn, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình cho trên 12.000 lượt cán bộ làm công tác gia đình, cán bộ làm công tác phụ nữ; Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới cho người làm công tác dân tộc, Bí thư ấp, Trưởng ấp và người có uy tín trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 760 đại biểu.
Tổ chức hơn 30 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em và các nhóm vấn đề xã hội có hơn 3.000 hội viên, phụ nữ nông thôn và vùng dân tộc thiểu số tham dự; 33 hội nghị tập huấn “Pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” với hơn 3.300 hội viên, phụ nữ nông thôn và vùng dân tộc thiểu số tham dự; Tổ chức 35 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho hơn 5.000 lượt người tham gia; trong đó có 16 lớp tập huấn chính sách pháp luật về bình đẳng giới, kỹ năng phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới và kiến thức, kỹ năng nuôi con theo khoa học, nâng cao thể lực, tầm vóc trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số với 2.405 người tham gia; Tổ chức 06 cuộc hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng truyền thông bình đẳng giới, công tác triển khai mô hình ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, công tác cán bộ, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện và cơ sở đã phối hợp tổ chức 425 lớp tập huấn kiến thức tiền hôn nhân, giáo dục làm cha mẹ, tình yêu, hôn nhân và gia đình, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, sức khỏe sinh sản… để chuyển tải đến cán bộ hội viên phụ nữ vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số các kiến thức, kỹ năng về hôn nhân, gia đình; giáo dục đời sống gia đình và giá trị các mối quan hệ trong gia đình; nâng cao nhận thức, kiến thức của phụ nữ, trẻ vị thành niên và người dân cộng đồng về giá trị các mối quan hệ trong gia đình với hơn 51.270 lượt người tham dự.
Xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình về bình đẳng giới trên địa bàn
Tiếp tục duy trì hoạt động các mô hình, tổ tư vấn được xây dựng từ năm 2013 như: Tổ tư vấn về bình đẳng giới của Ban Dân tộc ở 03 xã điểm: xã Tà Lài, huyện Tân Phú; xã Túc Trưng, huyện Định Quán và xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc. Tổ tư vấn được thành lập với thành viên là đại diện lãnh đạo UBND xã, Tư pháp, Hội LHPN, cán bộ làm công tác dân tộc; Mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại xã An Phước (Long Thành). Năm 2018, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiệp tục xây dựng thêm 04 mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Xuân Tây, Xuân Mỹ (Cẩm Mỹ), xã Thanh Sơn và thị trấn Định Quán (Định Quán). Đã tổ chức tập huấn cho 250 đại biểu là Lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện Hội LHPN, Đoàn TNCSHCM, Phòng Y tế, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Phòng Văn hóa - Thông tin, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Công an huyện Cẩm Mỹ và huyện Định Quán; Ban Quản lý mô hình xã Xuân Mỹ và xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ); thị trấn Định Quán và xã Thanh Sơn (huyện Định Quán); Năm 2019, tiếp tục hỗ trợ duy trì mô hình tại 02 huyện Cẩm Mỹ, Định Quán và nhân rộng mô hình tại 02 xã Tam An và Lộc An thuộc huyện Long Thành; thành lập thí điểm mô hình Câu lạc bộ nữ công nhân nhà trọ tại các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa và Câu lạc bộ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai. Đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, chính sách lao động việc làm, các kỹ năng cơ bản về phòng, chống bạo lực và nhận biết hành vi xâm hại phụ nữ và trẻ em cho nữ công nhân nhà trọ; Tập huấn kiến thức, kỹ năng hỗ trợ phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp nhằm góp phần giảm khoảng cách trong lĩnh vực lao động việc làm; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân tại các khu công nghiệp và khu chế xuất; Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ thông qua các dịch vụ hỗ trợ chất lượng, bền vững, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; Năm 2020, tiếp tục hỗ trợ duy trì mô hình tại 02 huyện Cẩm Mỹ và Long Thành.
Ngoài ra, việc thành lập và nhân rộng các mô hình phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như: Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ nuôi dạy con tốt, Câu lạc bộ gia đình 5 không 3 sạch, những mô hình hiệu quả này đã góp phần truyền thông, tư vấn, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, huy động sự tham gia đông đảo từ cộng đồng, đặc biệt là các thành viên nam giới. Việc thực hiện hiệu quả các mô hình đã góp phần tích cực trong việc can thiệp, hòa giải mâu thuẫn gia đình. Các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, Câu lạc bộ “Nam giới nói không với bạo lực gia đình” đều hoạt động tích cực, có hiệu quả, có uy tín đối với người dân.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã xây dựng được 823 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với hơn 20.000 thành viên; 984 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 59 Câu lạc bộ “Nam giới nói không với bạo lực gia đình”; 1.131 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 170 điểm tạm lánh; 950 tổ hòa giải cơ sở, thực hiện có hiệu quả việc giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, còn có Câu lạc bộ “Chăm sóc sức khỏe sinh sản trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Câu lạc bộ “Phụ nữ đảm đang”, Câu lạc bộ “Nuôi dạy con tốt”, Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”,... các mô hình, câu lạc bộ này đã phát huy hiệu quả góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, nâng cao vai trò của phụ nữ, từng bước thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, tại Đồng Nai, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp hoặc làm thuê, làm mướn, tâm lý ngại tiếp xúc do vậy nhận thức về giới, bình đẳng giới và sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ trong đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong đồng bào vùng sâu vùng xa. Quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn, một số chị em phụ nữ còn có tâm lý tự ti, an phận, chưa nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình… gây khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào.
Việc lồng ghép giới chưa được thực hiện thường xuyên, thời gian tổ chức tập huấn có hạn, không được tổ chức thường xuyên và đồng bộ do vậy phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả trong việc nhận thức cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Do đó, tới đây, tỉnh đặc biệt quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, vì đây là lực lượng phục vụ đắc lực và có hiệu quả cho công tác bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Song song, tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp và người có uy tín ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời, tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình; Tiếp tục đưa nội dung bình đẳng giới vào các cấp học và trong các chương trình bổi dưỡng về quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh./.