|
Chị Lò Thị Phấn |
Có 12 năm gắn bó với công tác Hội, chị Lò Thị Phấn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết: "Là người dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ lúc đầu, khi được phân công nhận nhiệm vụ ở Văn Chấn, nơi có phần lớn là đồng bào dân tộc Dao, bản thân tôi cũng phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt là tôi không biết tiếng. Nhưng chị em ở đây rất tình cảm, gần gũi nói tiếng phổ thông để tôi dễ hiểu, hơn nữa lại được sự quan tâm sát sao của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng như Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, đặc biệt là Đảng ủy, UBND xã Minh An tạo điều kiện nên tôi đã nỗ lực, thực hiện tốt công việc được giao".
"Trong hoạt động công tác Hội, chúng tôi luôn ưu tiên bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của hội viên đặc biệt là phụ nữ hộ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số và hướng tới mục tiêu bình đẳng giới trong gia đình và trong xã hội. Vừa rồi, chúng tôi đã thành lập các câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc". Điều đáng nói ở đây là chúng tôi đã kiên trì vận động những cặp vợ chồng từng xảy ra bạo lực hay có nguy cơ bị bạo lực, những trường hợp đã ly hôn cùng tham gia sinh hoạt câu lạc bộ. Những chia sẻ của cả nam giới và nữ giới xuất phát từ thực tế cuộc sống nhiều gia đình mâu thuẫn nảy sinh từ khó khăn về kinh tế, bất đồng quan điểm trong nuôi dạy con cái hay do quan niệm phải sinh con trai, trọng nam khinh nữ… đã giúp các thành viên trong Câu lạc bộ hiểu hơn về tâm sinh lý của "nửa kia", những kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực cũng được khéo léo lồng ghép qua thời gian chúng tôi nhận thấy các gia đình có sự thông cảm với nhau hơn, thay đổi các định kiến về vị trí, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái… cùng vun vén cho tổ ấm của mình", Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh An chia sẻ.
Nói về chuyện 3 cặp ly hôn đã hàn gắn, quay lại với nhau, chị Phấn chia sẻ: "Có thể nói câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc" là mô hình thành công của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã được bắt đầu triển khai từ năm 2021. Chúng tôi thành lập hai nhóm câu lạc bộ gồm một nhóm nam và một nhóm nữ. Nhóm nam thì chúng tôi nhờ các anh bên tư pháp tập huấn, tuyên truyền để ai cũng nhận thức được bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật. Để dễ nhớ, chúng tôi đã tìm tòi đưa ra những dẫn chứng cụ thể minh họa, từ đó để các hội viên nam giới biết rõ hành vi nào là sai trái, bị xử phạt ở mức độ như thế nào để tự nhận ra thiếu sót của mình, có điều chỉnh cho phù hợp. Các anh đã chủ động ngỏ lời xin vợ con tạo cơ hội để thay đổi, quay lại, biết trân trọng, yêu quý vợ con hơn. Mô hình câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc" giờ đây đã được nhân rộng ở 7/7 thôn với 235 thành viên tham gia".
|
Chị Lò Thị Phấn tại chương trình Biểu dương chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023 |
Với thâm niên 10 năm làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, từ sau Đại hội năm 2021 tới nay, làm Chủ tịch Hội, chị Phấn cũng thẳng thắn bày tỏ, khi triển khai các phong trào có nhiều thuận lợi, bên cạnh đó cũng có những khó khăn nhất định bởi không phải hội viên, phụ nữ nào chỉ qua một lần tuyên truyền, vận động là họ đã nghe, đã làm theo. Vì vậy, cán bộ Hội phải thực hiện phương châm "mưa dầm, thấm lâu", thông qua các hành động thiết thực, cụ thể để hội viên, phụ nữ thấy được lợi ích khi trở thành hội viên.
"Chẳng hạn như dịp 8/3 hay 20/10, chúng tôi tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thi bóng chuyền hơi tạo không khí gắn kết giữa các hội viên, phụ nữ trong xã, đồng thời quan tâm đến hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng cách giúp xóa nhà dột nát, tạo sinh kế cho họ ... từ nguồn quỹ hội viên góp. Nhiều chị em bất ngờ khi chỉ với 5.000 đồng và theo tinh thần ai thiếu củi chúng tôi góp củi, thiếu gạo chúng tôi góp gạo, ai thiếu công chúng tôi góp công mà 93 chị đã được giúp đỡ chỉ trong 3 năm vừa rồi. Sự gần gũi, tin tưởng của các chị em khiến niềm tin vào tổ chức Hội được nhân lên. Nếu như năm 2011 khi tôi mới vào công tác, toàn xã chỉ có hơn 400 hội viên thì bây giờ hội viên của chúng tôi đã lên 806 chị", chị Phấn hồ hởi chia sẻ.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc bật mí, chuyển đổi số là điều tất yếu mà người cán bộ Hội phải nắm bắt để tuyên truyền, vận động hội viên cũng như kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ chị em nhất là đối tượng chị em phải đi làm ăn xa, chị em neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, hoặc giúp chị em phát triển kinh tế bằng cách lập nhóm facebook, zalo riêng... Với cách làm này, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã giúp đỡ 03 hộ hội viên phụ nữ làm chủ thoát nghèo, 04 hộ thoát cận nghèo, thành lập 02 tổ hợp tác trồng bí xanh tại chi hội An Thái và trồng quế tại chi hội Liên Thành với tổng số 35 thành viên. "Chỉ khi phụ nữ vững vàng về kinh tế, tự chủ lo cho bản thân thì suy nghĩ, vị thế mới nâng cao", Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh An nêu quan điểm./.