Yên Bài là xã miền núi, dân tộc nằm ở phía Nam huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội. Xã có 02 dân tộc chủ yếu là Kinh và Mường cùng một số dân tộc khác cùng chung sống hòa thuận. Người Mường chiếm khoảng 45% dân số toàn xã. Tỷ lệ hội viên người dân tộc thiểu số tham gia Hội Phụ nữ chiếm trên 46%, tương đương 474 người.
Gia đình chị Bùi Thị Sen, dân tộc Mường ở thôn Bài, xã Yên Bài vừa xây căn nhà mới rộng 140m2, với số tiền ngót 01 tỷ đồng. Trong căn nhà mới khang trang, to đẹp, chị Sen bồi hồi kể lại chặng đường gian nan gần chục năm trước, gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
|
Chị Bùi Thị Sen bên căn nhà khang trang mới xây bằng một phần thu nhập tích luỹ từ chăn nuôi bò sữa do chị đảm nhiệm. |
Quanh quẩn với 1.000m2 chè, mỗi năm chỉ được thu 3 lứa, giá chè tươi bấp bênh nên thu nhập chẳng được là bao; nhà chị có 2 sào ruộng chỉ sản xuất đủ thóc lúa phục vụ cái ăn cho 4 nhân khẩu trong nhà.
Đứng trước hoàn cảnh gia đình, anh con trai quyết định đi lao động xuất khẩu ở Nhật Bản, chồng chị Sen quay ra làm thợ xây. Bản thân chị Sen quyết định vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua tín chấp của Hội Phụ nữ để nuôi một con bò sữa. Lượng sữa thu hoạch hàng ngày đem bán lại cho Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì.
Mỗi người một công việc, họ cùng nhau giúp kinh tế gia đình dần ổn định. Chị Sen đã trả hết món nợ vay mua con bò sữa ban đầu. Thấy chăn nuôi bò sữa cũng có hiệu quả, chị tiếp tục vay vốn để phát triển thành đàn.
Nay thì đàn bò sữa của chị Sen đã có 4 con. Mỗi ngày, một con bò sữa cho thu từ 20 - 25 kg sữa tươi. Số sữa đó được bán lại cho Công ty với giá thu mua gần 15 nghìn đồng/kg, giúp chị dành dụm được món tiền hàng tháng để góp làm nhà.
Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Bính - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, Yên Bài khá gần với nội thành Thủ đô. Vì không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp nên hầu như đàn ông trong độ tuổi lao động của xã đều làm công việc phi nông nghiệp ở trong và ngoài địa phương để có thu nhập bằng tiền lương, tiền công.
Theo thống kê của UBND xã, năm 2022, thu nhập từ tiền lương và các khoản thu khác trên địa bàn xã lên tới 195,4 tỷ đồng, chiếm trên 45% cơ cấu kinh tế của địa phương.
Khi người đàn ông thoát ly khỏi gia đình thì đương nhiên việc chăn nuôi, trồng trọt, việc nhà… chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm. Phân tích thế để khẳng định vai trò, đóng góp to lớn của phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, ít nhất khi nhìn từ một kết quả sản xuất, đó là toàn xã có tổng đàn trâu, bò trên 3.000 con; đàn lợn gần 12 nghìn con; đàn gia cầm ước đạt 353 nghìn con.
Đồng chí Nguyễn Viết Giao - Bí thư Đảng uỷ cho biết, xã Yên Bài luôn coi công tác giảm nghèo là mục tiêu quan trọng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Do đó, Thường trực Đảng ủy, lãnh đạo UBND xã luôn tạo điều kiện để các nguồn lực, dự án giảm nghèo được thực hiện thuận lợi ở địa phương, giúp người dân tìm kiếm được việc làm, có thêm nhiều cơ hội thoát nghèo, cận nghèo bền vững.
UBND xã đã phối hợp có hiệu quả với các ban, ngành đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách giảm nghèo, gương giảm nghèo cho các tầng lớp nhân dân nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Các dự án, chương trình giảm nghèo ở địa phương luôn quan tâm đến khả năng tiếp cận của phụ nữ dân tộc thiểu số và trẻ em, đảm bảo mức độ thụ hưởng của nhóm đối tượng yếu thế này ngang bằng với các đối tượng được thụ hưởng khác.
Hiện nay, Hội Phụ nữ xã Yên Bài đang quản lý các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và một số ngân hàng thương mại, tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa với số dư nợ gần 29,5 tỷ đồng, cho 482 hội viên vay phát triển kinh tế, tăng 2,4 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Chị em còn duy trì thường xuyên các hoạt động giúp nhau không lấy lãi về tiền, cây, con giống... với tổng giá trị quy thành tiền là trên 24 triệu đồng; gần 75% số hội viên tham gia mô hình tiết kiệm tại Chi hội với số tiền 140 triệu đồng. 8/8 chi hội duy trì xây dựng quỹ với số tiền trên 432 triệu đồng, giúp cho 90 hội viên vay để phát triển kinh tế gia đình.
Kết quả giảm nghèo trong hội viên phụ nữ đã góp phần để năm 2022, xã Yên Bài chỉ còn 11 hộ nghèo (tỷ lệ 0,55%), 56 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,82%). Năm 2023, ước xã còn 05 hộ nghèo (tỷ lệ 0,25%), 33 hộ cận nghèo (tỷ lệ 1,66%).
|
Vợ chồng chị Hoàng Thị Huệ, dân tộc Mường ở thôn Mít Mái - một trong số ít các hộ nuôi nhiều bò sữa của xã Yên Bài luôn cùng nhau chia sẻ việc sản xuất. |
Chị Cấn Thanh Toán, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Bài hào hứng cho biết, nếu người phụ nữ có thể tham gia và đóng góp tích cực cho kinh tế gia đình thì tiếng nói, vị thế của họ sẽ được nâng cao. Giờ đây, trong hầu hết gia đình người Mường ở Yên Bài, vợ chồng đều bình đẳng. Mọi quyết định liên quan đến công việc đối nội, đối ngoại cùng do hai vợ chồng bàn bạc thống nhất.
Chị Phùng Thị Nguyệt, dân tộc Mường, ở thôn Bài hạnh phúc chia sẻ, chồng chị tuy là cán bộ xã nhưng trước khi tới công sở luôn tranh thủ dậy sớm, chia sẻ nhiều việc nhà với vợ như cắt cỏ cho bò, cấy lúa; cơm nước, đón đưa con đi học khi vợ bận các công việc đoàn thể… Chị rất vui khi chồng thường xuyên giúp đỡ vợ con trong cuộc sống gia đình thường ngày. Đó là nền tảng để xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Thực tiễn ở Yên Bài cho thấy, bên cạnh sự chuyển biến nhận thức và có những hành động thực tế để thúc đẩy bình đẳng giới trong mỗi gia đình của chính những người đàn ông thì việc đẩy mạnh hỗ trợ, tạo cơ hội cho phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng nâng cao quyền năng kinh tế trong gia đình sẽ là giải pháp quan trọng để chị em tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống, xác lập được vị trí cao hơn trong gia đình; đồng thời thể hiện năng lực và vai trò của mình trong việc đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa vào sự phát triển chung của xã hội. Đó cũng là chìa khoá để bình đẳng giới ngày càng được thực hiện tốt hơn trong mỗi gia đình người dân tộc thiểu số ở Yên Bài./.