Bà Dương Thị Hiến, người dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội cho biết, thôn có 280 hộ, trung bình mỗi hộ có 4 khẩu. 98% dân số là nhóm người Dao Quần chẹt.
Người Dao thôn Yên Sơn nói riêng, xã Ba Vì nói chung tự hào với nghề thuốc nam gia truyền nổi tiếng khắp cả nước.
Theo thống kê, toàn xã Ba Vì có hơn 300 hộ làm nghề thuốc nam dưới nhiều hình thức như nhà thuốc gia truyền, hợp tác xã kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể về thuốc nam, hộ kinh doanh nguyên liệu cung cấp cho các nhà thuốc.
|
Nghề làm thuốc nam gia truyền mang lại thu nhập cao cho người Dao xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội. |
Là lương y lâu năm, bà Hiến nhẩm tính, nghề làm thuốc nam gia truyền mang lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Trung bình mỗi khẩu trong thôn thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Với gia đình bà Hiến, mức thu nhập chắc chắn phải cao hơn, bởi nhà bà vừa kinh doanh thuốc, vừa khám chữa bệnh cho người có nhu cầu. Theo bà chia sẻ, một tháng, cũng trên dưới 200 bệnh nhân từ khắp nơi nghe danh tiếng mà tự tìm đến khám bệnh, cắt thuốc.
Nhưng nếu chỉ khai thác khía cạnh phát triển kinh tế gia đình từ nghề thuốc nam gia truyền của người Dao xã Ba Vì thì có lẽ chưa đủ. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến tác động của phát triển kinh tế với thúc đẩy bình đẳng giới trong mỗi nếp nhà của đồng bào nơi đây.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Hiến cho biết, làm thuốc nam là nghề gia truyền trong mỗi gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, nhiều gia đình truyền nghề cho cả con gái và con trai nên phụ nữ người Dao có vai trò rất lớn trong việc duy trì và phát triển 4 bước y lý cổ truyền của dân tộc, đó là: trị bệnh, khỏi bệnh, chống tái phát và tiệt nọc bệnh.
Phụ nữ dân tộc thiểu số nói chung, phụ nữ dân tộc Dao nói riêng có những phẩm chất tốt đẹp như: cần cù, tỉ mỉ, chịu khó học hỏi, lại có trái tim nhân hậu nên thường được các bà, các mẹ truyền dạy cho các khâu quan trọng trong nghề làm thuốc như: nhận diện cây thuốc, cách chế biến thuốc, cách phối các vị trong các bài thuốc cổ truyền, trên cơ sở đó họ tiếp tục sáng tạo nên những bài thuốc mới, cách bắt bệnh, kê đơn…
Đàn ông tham gia vào những phần việc cần độ bền sức khoẻ như vào rừng sâu tìm hái, thái, phơi nguyên liệu, bốc xếp…
Do công việc làm thuốc, khám chữa bệnh tốn nhiều thời gian và công sức nên hầu như các gia đình người Dao ở xã Ba Vì không thực hiện việc chăn nuôi, trồng trọt hàng hoá mà chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày.
Bởi vậy, cơ cấu thu nhập của một gia đình người Dao nơi đây phần lớn hình thành từ thuốc nam và các hoạt động phái sinh từ nghề thuốc. Phân tích như vậy để thấy vai trò đóng góp của phụ nữ người Dao trong việc tạo ra thu nhập cho gia đình là khá lớn.
Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng trong các gia đình mà người phụ nữ nắm giữ bài thuốc gia truyền thì tiếng nói, quyền quyết định của họ cao hơn hẳn những gia đình khác. Ở những gia đình đó, người đàn ông cũng chủ động tham gia chia sẻ việc nhà nhiều hơn với người phụ nữ.
Bà Hiến chia sẻ, trước đây, người đàn ông Dao không phải làm việc nhà, chỉ chuyên tâm học chữ Nho. Nay vì phụ nữ bận bịu với những bài thuốc - thực chất là nguồn sinh kế chủ đạo của gia đình thì đàn ông đã chia sẻ khá nhiều việc nhà với vợ. Họ sẵn sàng nấu cơm, dọn nhà, trông coi ruộng vườn, đón đưa cháu đi học... để người phụ nữ có thêm thời gian dành cho công việc, được nghỉ ngơi hoặc tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khoẻ hay tham gia các câu lạc bộ dân ca, dân vũ của thôn bản để nâng cao đời sống tinh thần…
Ngược lại, những người phụ nữ dân tộc Dao cũng rất thông cảm với chồng. Họ hiểu rằng người chồng tuy không tham gia vào những việc chính trong quy trình sản xuất thuốc nhưng những phần việc mà đàn ông đảm nhiệm đều là những công việc vất vả, mệt nhọc. Vậy nên, họ hài lòng với những công việc nhà được chồng tự nguyện chia sẻ. Đàn ông vẫn được phụ nữ tôn trọng, trao quyền quyết định các phần việc liên quan đến phong tục tập quán của dân tộc, chẳng hạn như cách thức, quy mô tổ chức lễ cấp sắc, lễ cưới cho con cái như thế nào…
Khi có thu nhập, thậm chí còn cao so với mặt bằng chung của nhiều dân tộc thiểu số khác, lại có sự chia sẻ hợp lý việc nhà nên hạnh phúc gia đình cũng được cải thiện. Bà Hiến nói, các gia đình trong thôn rất ít cãi vã, vợ chồng đánh nhau càng hiếm.
|
Một cảnh trong tiểu phẩm tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới do người Dao xã Ba Vì thực hiện tại Ngày hội Bình đẳng giới do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức dành cho 7 xã miền núi, dân tộc của huyện Ba Vì diễn ra ngày 3/10/2023 |
Anh Dương Trung Thân cũng là người dân tộc Dao. Nhà anh Thân ở thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì.
Người đàn ông U60 này tâm sự, nhà anh may mắn cả hai vợ chồng đều được gia đình hai bên truyền nghề thuốc Nam. Vì thế, cả hai anh chị đều có khả năng đóng góp kinh tế gia đình ngang nhau, với mức thu nhập rất đáng mơ ước, bình quân 3 nhân khẩu nhà anh thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/tháng.
Anh nói, trong gia đình mình, vợ chồng có quyền bình đẳng như nhau trước những quyết định liên quan đến sản xuất, kinh doanh và quyền tài sản. Quan điểm của anh rất rõ ràng, việc gì vợ nói đúng thì mình phải nghe. Ngược lại, những gì anh nói đúng thì chị cũng phải nghe. Khi có người hỏi vay tiền… nếu không có sự nhất trí của vợ, anh không thực hiện, bởi đó là tài chính chung do hai vợ chồng cùng làm ra.
Gia đình bận rộn suốt ngày nên dù là đàn ông anh Thân cũng không ngần ngại làm việc nhà. Khi vợ con bận việc, anh sẵn sàng lo cơm nước, nội trợ, cho lợn, gà ăn…
Hơn 3 chục năm chung sống, nhờ xoá bỏ tâm lý coi thường phụ nữ, biết tôn trọng, ủng hộ, giúp đỡ nhau cả việc làm ăn lẫn việc nhà nên gia đình anh Thân vẫn duy trì được lửa ấm hạnh phúc.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã quy sự phát triển của lịch sử, của xã hội về nguyên nhân gốc rễ, cơ bản của nó là vấn đề kinh tế, trong đó có vai trò của yếu tố phân công lao động trong nền sản xuất xã hội.
Trong hôn nhân gia đình, tương quan về địa vị giữa vợ và chồng xét đến cùng chịu sự chi phối của yếu tố kinh tế trước khi chịu sự chi phối của chính trị, văn hoá, tôn giáo…
Từ hai câu chuyện trên cho thấy, trong quan hệ vợ chồng, nếu một người làm ra kinh tế, một người phụ thuộc thì quyền chuyên chế của người làm ra kinh tế sẽ có cơ hội được thiết lập. Kết quả của việc này là hình thức gia đình gia trưởng, quyền lực hầu như tập trung tuyệt đối với người làm ra kinh tế nhiều hơn.
Những người phụ nữ dân tộc Dao có nghề làm thuốc gia truyền đã tránh được sự phụ thuộc đó, bởi họ có khả năng tự chủ về kinh tế, là tác nhân chính tạo ra và duy trì sinh kế của gia đình. Điều đáng ghi nhận là với bản tính hiền lành, đồng thời chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán nên họ xác định được vị trí của mình trong gia đình, hài lòng với sự chia sẻ công việc làm ăn, công việc nhà của người chồng.
Mặt khác, như bà Hiến thừa nhận, tác động của truyền thông về bình đẳng giới là rất lớn và quan trọng. Nhờ được tuyên truyền thường xuyên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cuộc họp thôn bản… mà người Dao đã có chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành vi về bình đẳng giới. Đó chính là cơ sở để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
"Tôi có thể tự hào rằng người Dao ở xã Ba Vì đang sống rất văn minh" - bà Hiến tươi cười nói./.