Đạ Tẻh là một huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lâm Đồng, có hơn 13 dân tộc thiểu số anh, em cùng sinh sống; trong đó dân tộc thiểu số chung có 3.063 hộ/13,049 khẩu, chiếm 24% (gồm dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mường, K'Ho, Hoa, Sán Dìu, Châu Mạ, Châu Ro, Ê Đê, Chơ Ro, Thái...); riêng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên có 997hộ/3.733 khẩu, chiếm 7% dân số toàn huyện, hiện đang sinh sống tại các thôn, tổ dân phố thuộc các xã Đạ Pal, An Nhơn, Mỹ Đức, Quốc Oai và Thị trấn Đạ Tẻh.
Những năm qua, công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được các cấp uỷ Đảng, Chính quyền quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trước khi triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 25/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thực trạng bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế như: Đa số các chỉ tiêu về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số đều thấp hơn so với trung bình chung cả nước; định kiến về giới còn tồn tại, với các đặc điểm khác nhau ở từng địa phương và chịu tác động từ nhiều yếu tố về môi trường sống, phong tục tập quán, quan niệm cộng đồng xã hội. Phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, chịu bất bình đẳng kép cả về dân tộc và giới tính.
Sau khi triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 25/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong huyện triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả, tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và trong gia đình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện. Các hoạt động thực hiện công tác bình đẳng giới bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ, công tác bình đẳng giới ngày càng có những chuyển biến tích cực.
|
Đội văn nghệ huyện Đạ Tẻ tham gia Liên hoan văn nghệ phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên năm 2003 |
Theo đồng chí Đinh Viết Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, với sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện công tác bình đẳng giới, bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và đông đảo tầng lớp nhân dân trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động truyền thông đã được lồng ghép vào các chương trình, dự án chính sách khác được triển khai tại vùng dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu về bình đẳng giới. Do vậy, trên địa bàn huyện không có các vấn đề giới nổi cộm như bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bạo lực trên cơ sở giới tại trường học, cộng đồng… Nhận thức về công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ngày càng được nâng lên. Bình đẳng về quyền lợi học tập, việc làm, chăm sóc sức khỏe, nuôi con của phụ nữ ngày càng tốt, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Bản thân phụ nữ cũng ngày càng tiến bộ và tự lực vươn lên.
Hiện nay, nguồn quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thuộc các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện được Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt có tỉ lệ cán bộ nữ chiếm 63,8%, trong đó các cơ quan chuyên môn thuộc huyện 20/46, đạt tỉ lệ: 43%; các đơn vị sự nghiệp 95/134, đạt tỉ lệ: 70,9%.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, 100% cơ sở y tế đã có dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khoẻ sinh sản. 100% bà mẹ mang thai được tư vấn, chăm sóc sức khỏe. Tính đến ngày 28/11/2023, tỷ số giới tính khi sinh là 105,1%, trong đó trẻ sơ sinh trai là 208/198 gái; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con 100% (kế hoạch 100%).
Trong lĩnh vực kinh tế lao động, huyện thường xuyên tuyên truyền vận động chị em tham gia các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.
Về giáo dục, đào tạo, đến nay, huyện Đạ Tẻh đã có 100% các xã, thị trấn đạt phổ cập THCS và phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Số lượng và tỷ lệ nữ cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tương đương số lượng và tỷ lệ nam cán bộ, giáo viên. Tỷ lệ nữ thạc sỹ (trên tổng số nữ cán bộ công chức, viên chức, người lao động) đạt 0,5% vào 2023.
Trong lĩnh vực gia đình, các hoạt động tuyên truyền về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, phòng chống bạo lực trong gia đình ngày càng được quan tâm... Các mô hình điểm về xây dựng gia đình “ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”, “ Gia đình không có bạo lực” ngày càng được nhân rộng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Công tác tổ chức và bộ máy cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của các ngành, các cấp thường xuyên được kiện toàn, phù hợp với thực tế của từng địa phương, đơn vị, đảm bảo mỗi cấp, ngành đều có cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hàng năm, huyện đều cử cán bộ tham gia tích cực các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác bình đẳng giới, nghiệp vụ phòng chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp của huyện được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức hàng năm…
Theo đồng chí Đinh Viết Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, từ những kết quả đã đạt được, năm 2024, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục đưa nội dung bình đẳng giới vào nhiệm vụ chính trị của địa phương và công tác chuyên môn của ngành, đoàn thể. Thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng kế hoạch hành động của ngành, địa phương, ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể cho việc thực hiện công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Coi đây là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, địa phương hàng năm./.