Để "mỗi ngày đến trường của các con là một ngày vui"

Thứ ba, 14/11/2023 16:59
(ĐCSVN) -18 năm là giáo viên mầm non, cô Quách Thị Bích Nụ luôn tràn đầy nhiệt huyết để "mỗi ngày đến trường của các con là một ngày vui", các con an toàn, biết bảo vệ bản thân, phát triển toàn diện cả trí tuệ, thể chất lẫn tinh thần.

Như người mẹ thứ hai dạy dỗ các con

Hơn 17 năm phấn đấu từ giáo viên hợp đồng rồi được tín nhiệm là Phó hiệu trưởng Trường mầm non Đồng Ruộng, xã Đồng Ruộng đến tháng 2/2023 được điều chuyển, bổ nhiệm làm Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Hoà, xã Yên Hoà, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, cô Nụ luôn tự nhủ lúc nào cũng phải coi học trò như con, cháu mình để chỉ bảo, dạy dỗ từng chút một.

Cô Quách Thị Bích Nụ.  

"Địa bàn chúng tôi có đặc thù rất nhiều gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa, con trẻ thường để ở nhà gửi ông bà chăm sóc. Vì vậy, cá nhân tôi cũng như sau này thêm nhiệm vụ quản lý luôn nhắc nhở các cô phải sát sao, quan tâm tới các con có bố mẹ xa nhà nhiều hơn. Ở trường, chúng tôi dạy các con từng việc nhỏ như cách vệ sinh cá nhân, bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại. Chúng tôi cũng trao đổi thông tin thường xuyên với gia đình trực tiếp hoặc qua nhóm zalo, trang mạng xã hội của nhà trường để phụ huynh nắm được tình hình, phối hợp giáo dục con cái.

Đặc biệt, ở huyện miền núi, vùng cao như Đà Bắc với 5 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống gồm: Tày, Mường, Dao, Thái, Kinh, bà con nơi đây vẫn còn nhiều tập tục cổ hủ, lạc hậu. Từ thực tế này, chúng tôi đã triển khai các buổi học chuyên đề tuyên truyền về bình đẳng giới tới các con. Chẳng hạn như con trai, con gái đều bình đẳng, được yêu thương như nhau, đều có quyền đi học như nhau. Ở lớp, ở trường các con chơi với nhau phải đoàn kết, không phân biệt bạn trai, bạn gái. Hay có những câu chuyện chúng tôi nắm được là cha mẹ, ông bà coi trọng bé trai hơn, chúng tôi lại tìm cách gặp riêng để trao đổi để trẻ không có cái nhìn sai lệch", cô Nụ nói.

Cô Nụ bên các em nhỏ Trường Mầm non Yên Hoà.

18 năm chèo đò đưa trẻ tới trường

Xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng là vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, với gần 60% gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Người dân sống rải rác bên các triền đồi ven bờ sông nên việc đi lại chủ yếu phải sử dụng thuyền. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thuyền đi lại, vì thế mà hành trình đi tìm con chữ của các em nhỏ nơi đây lại có thêm thử thách.

Vốn sinh ra và lớn lên tại nơi này, thấu hiểu hoàn cảnh của người dân nơi đây nên khi được phân công về học việc tại điểm trường xóm Nhạp, Trường mầm non Đồng Ruộng, cô Nụ đã có ý kiến với các hộ gia đình tình nguyện đưa đón các em đến trường để phụ huynh yên tâm.

"Những ngày đầu mới về công tác, đó là năm 2005, đồng lương hợp đồng của tôi ngày ấy chỉ vẻn vẹn 50.000 đồng/tháng, nhưng với mong muốn tất cả học sinh trong độ tuổi ra lớp đều được đến trường, hằng ngày, tôi tự nguyện đưa đón các con đến trường. Khi những chiếc thuyền nhỏ của tôi xuống cấp, nhận thấy việc đưa đón các con không đảm bảo an toàn, năm 2011, sau khi bàn bạc và được sự đồng tình ủng hộ của gia đình, tôi quyết định bán cặp bò vốn là của hồi môn để đóng chiếc thuyền bằng sắt sử dụng đến nay. Việc đưa đón học sinh đi học là hoàn toàn tự nguyện, tôi không yêu cầu gia đình các con đóng góp gì", cô giáo có gương mặt phúc hậu chia sẻ.

 Cô Nụ chèo đò đưa đón học sinh xóm Nhạp tới trường.

Nghề giáo viên mầm non đã vất vả, công tác ở huyện nghèo, trong đó có nhiều địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn như Đà Bắc thì vất vả ấy lại còn nhân lên gấp bội. Ấy vậy mà 18 năm là giáo viên mầm non cùng là chừng đó thời gian cô giáo Mường đảm đương thêm việc đưa đón các con nhưng với cô đó là niềm vui mỗi ngày.

"Nghề lái đò với tôi đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 18 năm qua, tôi không nhớ rõ mình đã đưa đón được bao nhiêu học trò, bao nhiêu chuyến đò. Chỉ nhớ năm học ít nhất là đưa đón 2, năm nhiều nhất là 18 người. Tôi luôn coi những đứa trẻ ấy như người thân yêu của mình. Ngày qua ngày, sáng sớm và chiều tối, tôi vừa quán xuyến công việc chăm trẻ, vừa tình nguyện chèo đò, đưa, đón học sinh xóm Nhạp. Đến nay, việc đưa đón các con luôn diễn ra an toàn và đảm bảo các con đến lớp kịp giờ. Nếu như trời không mưa thì mọi việc với cô trò tôi thuận lợi hơn và từ đầu năm nay, khi chuyển công tác sang trường mới thì sau khi đò cập bến, tôi lại lấy xe máy di chuyển quãng đường 15 cây số đến nơi làm việc. Các bạn ở miền xuôi, đồng bằng chắc khó hình dung nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về những chuyến đò của mình, về công viêc của mình! Không thể giúp đỡ các con tiền học, tiền ăn hằng ngày nhưng tôi cố gắng tiếp sức để các con được tới trường, đó là cách biến mơ ước của các con thành hiện thực", cô giáo Nụ bày tỏ.

 Học trò ở huyện miền núi, vùng cao Đà Bắc chủ yếu gồm 5 dân tộc: Tày, Mường, Dao, Thái, Kinh.

Hỏi về mong muốn của bản thân, cô Nụ không chút suy nghĩ: "Ước mong lớn nhất của tôi cùng bà con nơi đây là có được con đường liên xã, có cây cầu nối giữa xóm để cô trò và bà con nơi đây không cần lênh đênh trên mặt nước mà vẫn có thể đến trường mỗi ngày. Còn hiện tại khi chưa có đường, tôi mong tổ chức được nhiều lớp dạy bơi để những đứa trẻ sinh ra, lớn lên bên dòng sông Đà được huấn luyện bài bản, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích", nhà giáo hết lòng nghĩ cho học trò chia sẻ. 

Cô Quách Thị Bích Nụ, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Hoà, xã Yên Hoà, huyện Đà Bắc tỉnh Hoà Bình là 1 trong 19 giáo viên dân tộc thiểu số sẽ được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 vào ngày 17/11 tới tại thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. 

Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên  Long tổ chức tuyên dương 58 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại những xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là những cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vận động học trò không bỏ học, kết hôn sớm hay kiên trì vận động phụ huynh và các em xóa bỏ định kiến giới...


Tuệ Lâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực