"Địa chỉ tin cậy" góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới

Chủ nhật, 24/11/2024 08:40
(ĐCSVN) - Được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn là mô hình chỉ đạo điểm, "Địa chỉ tin cậy" sau khi triển khai tại xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá đã cho thấy nhiều đổi thay tích cực mà ngay chính người dân nơi đây phải công nhận.

"Trước đây tôi cứ nghĩ rằng cùng với việc chăm sóc con cái thì những việc nhà, bếp núc như nấu ăn, giặt giũ, tắm giặt, lau dọn... là những việc của người phụ nữ. Còn người chồng, người đàn ông đóng vai trò là trụ cột, làm kinh tế gia đình. Do đó, tất cả việc nhà, chăm sóc, dạy dỗ con cái tôi để vợ làm. Những ngày không đi làm tôi tụ tập với anh em trong thôn đánh bài, rồi lại rủ nhau nhậu nhẹt, uống rượu tới say. Có những hôm say xỉn không biết gì rồi về nhà tôi lại gây chuyện, động tay, động chân với vợ con. Đây chính là lý do để vợ tôi buồn chán, dẫn đến cuộc hôn nhân trước đây đồ vỡ", anh Lương Văn Thường, 46 tuổi, dân tộc Thái, thôn Đồng Sán, xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa bày tỏ sự hối hận khi chia sẻ câu chuyện của chính mình. 

Tập huấn kỹ năng phòng ngừa bạo lực gia đình cho mô hình điểm “Địa chỉ tin cậy” tại xã Thanh Sơn.

Anh Thường cho rằng, nếu như mô hình "Địa chỉ tin cậy” sớm xuất hiện ở quê anh cũng như nhiều địa phương khác chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều những vụ bạo hành cũng như ngăn chặn những vụ ly hôn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán.

"Địa chỉ tin cậy” là mô hình được thành lập nhằm giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Từ đó, tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mô hình nhằm triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 (gọi tắt Chương trình MTQG 1719).

Bởi "Địa chỉ tin cậy" tại xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân là mô hình điểm nên Ban điều hành mô hình cùng các tình nguyện viên trong xã cũng như chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ 10 xã trên địa bàn huyện  Như Xuân đã được giảng viên của Hội  Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập huấn nhiều nội dung quan trọng về kỹ năng phòng ngừa bạo lực gia đình, kỹ năng quản lý cảm xúc và giao tiếp trong gia đình; nhận diện cảm xúc, các yếu tố ảnh hưởng đến cảm xúc, hậu quả của việc duy trì những cảm xúc tiêu cực; chăm sóc cảm xúc lành mạnh, những giá trị cốt lõi trong gia đình và các yếu tố cần thiết trong giao tiếp đồng thời, tham gia xử lý các tình huống giả thiết về mối quan hệ trong gia đình, tham gia các trò chơi...

Sau khi được tuyên truyền, vận động, anh Lang Thành Tuyến, 50 tuổi, dân tộc Thái, thôn Quăn 1, xã Thanh Sơn thấy rằng, bạo lực gia đình xuất phát từ nghèo khó, vợ chồng không tin tưởng và yêu thương nhau. Vì vậy, cả hai vợ chồng cùng phải có trách nhiệm phát triển kinh tế, chia sẻ với nhau công việc gia đình, nuôi dạy con cái... Có sự chia sẻ, thấu hiểu sẽ hạn chế những mâu thuẫn không đáng có dẫn đến cãi vã làm tổn thương nhau, thậm chí đánh đập nhau gây hậu quả nghiêm trọng.

Buổi sinh hoạt thể thao của chị em trong xã 

Chị Vi Thị Phương, 37 tuổi, dân tộc Thái, thôn Đồng Sán nhận định: "từ khi có thành viên Dự án 8 về tuyên truyền, phổ biến, tôi cảm thấy rất thiết thực. Nhiều người dân trong xã, trong thôn có cùng suy nghĩ giống như tôi. Qua các cuộc tuyên truyền, chúng tôi nhận thấy bản thân có nhiều thay đổi, tiếp thu được rất nhiều điều mới và bổ ích. Chẳng hạn như ngày trước, đi tập văn nghệ chồng tôi cũng hay ghen. Giờ đây, sau khi được tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình thì chồng tôi đã thay đổi, cũng hiểu được rằng, đi tập văn nghệ, thể thao giúp cho các chị em thoải mái hơn, tinh thần tốt hơn, sức khỏe dẻo dai hơn cũng như có thêm cơ hội để giao lưu, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống".

Bà Lục Thị Hoa, 59 tuổi, dân tộc Thái, thôn Kẻ Mạnh 1 vui vẻ cho hay: "sau khi nghe phân tích, tuyên truyền, trong gia đình tôi, các công việc tớn, như việc làm nhà, mua bán những đồ vật có giá trị, hai vợ chồng đã cùng nhau bàn bạc, trao đi đổi lại, cùng thỏa thuận rồi đưa ra quyết định. Không còn chuyện ai "mạnh" người đó quyết nữa!"

Bà Hà Thị Hoa, 58 tuổi, dân tộc Thái, thôn Đồng Sán chỉ ra đổi thay đáng mừng: "Tôi cũng rất vui mừng khi các cháu trong thôn bây giờ được ăn học đàng hoàng, nhận thức tốt. Cháu nào có khả năng thì gắng học, gia đình tạo điều kiện còn cháu nào không học được thì đi học nghề, xuất khẩu lao động, kiếm việc làm ổn định lo cho bản thân, giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế sau đó mới lập gia đình. Tình trạng thất học, tảo hôn, tê nạn xã hội không còn như trước nữa".

Cấp Trung ương đã đẩy mạnh triển khai chỉ đạo điểm 02 "Địa chỉ tin cậy" tại xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá và xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Trong quá trình chỉ đạo điểm đã rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các cấp hội đó là: Chú trọng công tác rà soát, đánh giá nhu cầu làm cơ sở triển khai các hoạt động chỉ đạo điểm phù hợp với thực tiễn; Tổ chức đồng thời các hoạt động chiều sâu và các hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; Chú trọng phát hiện các hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là nhóm hành vi bạo lực tinh thần, kinh tế, tình dục; Tăng cường sự tham gia của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, các ban ngành, đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng tham gia mô hình; Khuyến khích huy động sự tham gia của nam giới (luôn đảm bảo trên 40%) trong các hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; Trao quyền và hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch, giải pháp để chủ động giải quyết các vấn đề của địa phương; Nâng cao chất lượng công tác phát hiện, hỗ trợ lên tiếng, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Tăng cường phối hợp với các ngành, đặc biệt là ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch.  

 

 

Đức Khải

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực