Điểm tựa cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới

Thứ hai, 11/09/2023 21:21
(ĐCSVN) - Mô hình “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” sẽ nâng cao nhận thức của người dân trong xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng cũng như phòng chống bạo lực gia đình.

Giữa tháng 12/2022, thôn KaLa KRọt, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng ra mắt mô hình điểm cấp tỉnh “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”. Mô hình do UBND xã thành lập, quản lý; trực tiếp đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm chủ nhiệm, các thành viên là những cá nhân có uy tín cao trong cộng đồng, có kinh nghiệm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực ở cộng đồng. Mô hình được kỳ vọng là “điểm tựa” cho phụ nữ bị bạo hành, giúp nạn nhân của bạo lực gia đình mạnh dạn tìm đến sự hỗ trợ của địa chỉ tin cậy; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong hoạt động phòng chống bạo lực gia đình. 

Xây dựng “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” như ở thôn thôn KaLa KRọt là một trong những hoạt động do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khởi xướng, vận động xã hội hoá nhằm góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em - những đối tượng yếu thế, dễ là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới ngay từ cộng đồng. 

Mô hình "Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng" sẽ nâng cao nhận thức của người dân trong xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng cũng như phòng chống bạo lực gia đình. (Trong ảnh: Ra mắt "Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng" thôn Tà Vay, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) 

Bạo lực đối với phụ nữ là một trong những hình thức biểu hiện của bất bình đẳng giới. Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 người phụ nữ thì có 1 người (32%) đã bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục trong đời và 8,9% bị bạo lực này hiện thời (trong 12 tháng qua). Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị.

Đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, tỷ lệ bị bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục do chồng/bạn tình gây ra trong đời (29,4%) và trong 12 tháng qua (8,3%) - theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019. Phụ nữ dân tộc Nùng có tỷ lệ bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục rất cao, lần lượt là 42,8% và 25,8%. Hơn  một phần ba (34,9%) phụ nữ dân tộc Nùng cũng bị bạo lực tinh thần trong 12 tháng qua, thuộc nhóm bị bạo lực tinh thần cao nhất.

Báo cáo dẫn chứng trường hợp chị Hoa, người dân tộc Nùng có một cửa hàng nhỏ. Chồng chị khiếm thị và là người dân tộc Tày. Mặc dù trong gia đình, chị Hoa là người kiếm tiền nhưng chồng chị lại là người kiểm soát tiền và còn đánh chị. Chị Hoa không thể nói với ai vì không ai tin rằng chị - một người ngồi xe lăn có thể bị người đàn ông khiếm thị đánh.

Chị Hoa cũng bị chồng bạo lực tình dục. Chị không thể di chuyển nhanh và chị cảm thấy mình yếu thế trong tình dục. Việc này làm chị xấu hổ hơn khi nói về tình dục. Vì thế, chị chưa bao giờ nói với bất kỳ ai về sự chịu đựng của mình.

Chỉ khi đến với “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, nạn nhân bị bạo lực mới được tạm lánh, được chăm sóc y tế nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Đồng thời được tư vấn pháp luật để biết cách tự bảo vệ trước nạn bạo lực gia đình, hoặc vững tâm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực gia đình. Đây cũng là nơi nạn nhân chia sẻ tâm tư để các thành viên có trách nhiệm hoà giải hiểu rõ tình hình, tư vấn có tình, có lý, giúp nhiều cặp vợ chồng hiểu rõ về nhau, hàn gắn rạn nứt để hoà thuận trở lại.

Theo bà Ka Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, những mô hình như “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” sẽ nâng cao nhận thức của người dân trong xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng cũng như phòng chống bạo lực gia đình./.

Trần Hồng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực