Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021.
Trong tổng số 20 chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, có 07/20 chỉ tiêu đã đạt hoặc ước tính có thể đạt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; có 12/20 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn với năm 2020 và phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt mục tiêu.
Trong đó, các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Cụ thể, bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo tiếp tục được thu hẹp. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học là 94,1%, trung học cơ sở là 82,3%, trong khi chỉ tiêu đề ra vào năm 2025 là trên 90% đối với bậc tiểu học và 85% đối với trung học cơ sở. Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 34,5%, tăng 8,2% so với năm 2019. Chênh lệch thu nhập bình quân giữa lao động nam và nữ được rút ngắn từ 1,4 lần xuống 1,35 lần.
Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước đều được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 12/2022, có 14/30 (46,6%) cán bộ nữ là lãnh đạo chủ chốt các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, bao gồm: các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt là 12/22, đạt 54,5%; cơ quan thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt là 02/08 (chiếm 25%); có 04 nữ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 12 nữ Thứ trưởng và tương đương.
Trong Quốc hội khoá XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, đại biểu nữ là 151 người, (tỷ lệ 30,26% trong tổng số người trúng cử). Đây là lần thứ hai tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đạt trên 30% (lần đầu là Quốc hội khoá V, đạt 32,31%). Lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI trở lại đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.
Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tăng lên, Tuy bình quân chung chưa đạt tỷ lệ 30% như mong muốn nhưng ở khá nhiều địa phương, số lượng nữ đại biểu HĐND đã tăng so với nhiệm kỳ trước.
Nữ giới chiếm trên 50% dân số nước ta và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc tăng tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp không chỉ thực hiện bình đẳng giới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước mà còn nhằm phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ vào công cuộc đổi mới đất nước.
|
Các đại biểu dự Hội nghị đối thoại chính sách mẫu do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tại xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai (Ảnh: CTV) |
Một nghiên cứu về vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam và các đối tác đồng thực hiện cho thấy, trong chương trình hành động, nữ đại biểu quan tâm hơn tới các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo; y tế, văn hóa, thể thao và du lịch; dân tộc; lao động, thương binh và xã hội; tôn giáo và tín ngưỡng hơn so với nam đại biểu.
Tuy đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung vẫn còn khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị. Tỷ lệ phụ nữ tham chính còn thấp so với lực lượng và tiềm năng của phụ nữ, nhất là tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương cấp tỉnh.
Theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tham chính ở cơ quan quyền lực nhà nước cấp địa phương thấp là do định kiến giới về vai trò và năng lực lãnh đạo của phụ nữ vẫn còn tồn tại, đặc biệt ở nhóm dân tộc thiểu số và nhóm dân có trình độ học vấn thấp. Đa số người dân vẫn ngầm thừa nhận khả năng lãnh đạo, vị trí người đứng đầu của nam giới và cho rằng phụ nữ chỉ nên giữ vị trí cấp phó.
Trong quan niệm của nhiều người, phụ nữ thiếu những phẩm chất, đặc điểm cần có của người lãnh đạo như sự quyết đoán, tính trách nhiệm, sự hiểu biết. Chính những định kiến này là rào cản vô hình, hạn chế cơ hội trúng cử và tham chính của phụ nữ. Ngoài định kiến xã hội, nữ giới ứng cử thường được gắn với nhiều cơ cấu, chẳng hạn như trẻ tuổi, dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng… Mặc dù họ đều có phẩm chất tốt song vì trình độ và vị trí công việc thấp nên mức độ ảnh hưởng, trọng lượng tiếng nói trong xã hội không cao, ít có cơ hội và điều kiện tiếp cận thông tin tầm vĩ mô. Cơ hội trúng cử của họ vì thế bị hạn chế nhiều. Trong trường hợp trúng cử thì khả năng tái cử thấp.
Hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa biết về quyền trong lĩnh vực chính trị của phụ nữ, bao gồm các quyền như được tự ứng cử làm đại biểu HĐND, quyền được lấy ý kiến trong các cuộc họp ở thôn, xóm, tổ dân phố. Ở các dân tộc thiểu số, tỷ lệ người dân biết về quyền chính trị của phụ nữ thấp hơn so với dân tộc Kinh. Đây là những vấn đề cần quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
Tạo cơ hội cho phụ nữ tham chính chính là trao cho họ cơ hội được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Muốn vậy, hệ thống chính trị cần thấu triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về bình đẳng giới thể hiện trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới./.