|
Phụ nữ, trẻ em DTTS ở Đồng Nai ngày càng được tạo điều kiện để tìm hiểu về pháp luật, biết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. |
Theo thống kê, Đồng Nai có 31 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh (chiếm 92% dân số), còn lại đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh, khoảng 200 nghìn người. Trong đó, 4 dân tộc bản địa là Chơ Ro, Mạ, STiêng và Cơ Ho; 3 dân tộc đã sinh sống lâu đời ở Đồng Nai là Hoa, Chăm và Khmer. Hiện nay đồng bào DTTS có lượng đông dân nhất ở Đồng Nai là dân tộc Hoa, tiếp đến là các dân tộc Nùng, Chơ Ro, Tày, Khmer, Mường, Dao, Mạ, Chăm, STiêng, Sán Dìu, Cơ Ho, Thái, Thổ, Ê Đê, Sán Chay, Ngái, Raglay, Gia Rai, Lào, Cơ Tu, Xơ Đăng, Ba Na... Tỉnh có 24 xã thuộc khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh hiện chỉ còn gần 700 trường hợp.
Ông Thổ Út, Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai cho rằng, khi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nâng cao thì đồng bào sẽ hiểu, nắm bắt và thực thi đúng chính sách đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế; tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; loại bỏ các hủ tục lạc hậu.
Xác định rõ điều đó, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tuyên truyền cho bà con dân tộc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng, chống dịch bệnh, suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện nếp sống văn hóa mới; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan…
Trong đó, Đồng Nai luôn xác định công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trong các tầng lớp phụ nữ, trong đó có phụ nữ DTTS là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt của tổ chức Hội. Vì thế, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Đồng Nai tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý và phát huy vai trò phụ nữ trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, chăm lo cho hội viên, phụ nữ DTTS.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với 9 huyện và thành phố Long Khánh tổ chức 41 điểm tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới năm 2006 cho hơn 3,9 ngàn lượt người tham dự. Đối tượng được tuyên truyền là những người làm công tác dân tộc cấp huyện, cấp xã, trưởng ấp (khu phố), người có uy tín và người dân là đồng bào DTTS. Thông qua công tác tuyên truyền, các mô hình tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở.
Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ còn thúc đẩy việc thành lập các chi, tổ, câu lạc bộ (CLB) phụ nữ DTTS với hàng ngàn thành viên tham gia. Từ đầu năm đến nay, Hội đã thành lập mới 4 CLB, Tổ phụ nữ DTTS. Tính đến nay, toàn tỉnh có 65 chi, tổ, CLB phụ nữ DTTS.
Hiện Ban dân tộc tỉnh đang thực hiện Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025 và Kế hoạch số 3465/KH-UBND ngày 18/1 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 -2025. Qua đó, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng được tìm hiểu về pháp luật, biết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh còn chủ động triển khai nhiều buổi phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Theo ông Thổ Út nhận định: “Nhận thức pháp luật của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng tương đối đầy đủ, sâu rộng. Đó là ưu điểm cần tiếp tục phát huy và duy trì”.
Cùng với Ban Dân tộc tỉnh, Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức chương trình đối thoại với hội viên phụ nữ DTTS nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em. Từ đó, Hội có những những hoạt động đáp ứng nhu cầu của hội viên phụ nữ vùng đồng bào DTTS. Hội phấn đấu từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 100% phụ nữ DTTS được trang bị kiến thức, kỹ năng về giới… và tham gia các hoạt động tại địa phương. Đảm bảo phụ nữ DTTS đạt trình độ đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Hằng năm duy trì ít nhất 90% phụ nữ DTTS được tuyên truyền, trang bị kỹ năng phòng ngừa, lên tiếng, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã triển khai tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho hội viên, phụ nữ vùng đồng bào DTTS và miền núi tại 7 đơn vị có các xã thuộc khu vực I (mỗi đơn vị chọn một xã). Tham gia tập huấn, cán bộ Hội vùng đồng bào DTTS và hội viên phụ nữ DTTS có cơ hội tìm hiểu về các hoạt động tuyên truyền, vận động từng bước xóa bỏ định kiến giới; xây dựng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới; đảm bảo sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động của cộng đồng… Bên cạnh đó là các kiến thức về giới, bình đẳng giới; cách nhận diện các hành vi bạo lực trên cơ sở giới và cách phòng tránh…/.