|
Mô hình “Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng” do chị Huỳnh Kim Phượng làm Giám đốc ở ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP Cao Lãnh.
|
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số như người Hoa, Khmer là chủ yếu, ngoài ra còn có người Chăm, Thái, Mường, Tày... Tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh gần 598 ngàn người, chiếm 50,23% dân số và chiếm 46,85% lực lượng lao động xã hội, trong đó có gần 332 ngàn hội viên phụ nữ, đạt tỷ lệ 55,46% trên tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên.
Để từng bước rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp duy trì nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó chú trọng hướng đến khu vực biên giới, nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù, yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số… thông qua việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kiến thức về bình đẳng giới; tăng cơ hội cho phụ nữ tiếp cận các nguồn lực xã hội; duy trì và nhân rộng một số mô hình tiêu biểu về bình đẳng giới;…
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp cho biết, cụ thể hóa Kế hoạch số 289/KH-BTV ngày 22/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2030, Ban Thường vụ Hội đã tổ chức triển khai cho Hội LHPN 12 huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc và cơ sở Hội; đồng thời chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động nâng cao kiến thức, năng lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trang bị những kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình gắn với bình đẳng giới.
Nổi bật là, tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng hình ảnh cá nhân nữ cán bộ, công chức” cho đại biểu là nữ lãnh đạo ngành tỉnh, công chức, cán bộ, hội viên phụ nữ; chuyên đề “Văn hóa ứng xử gia đình Việt gắn với bình đẳng giới” cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 cho nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN 12 huyện, thành phố về hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Trong 05 năm qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ, hội viên và quần chúng phụ nữ thông qua các buổi họp chi, tổ, sinh hoạt câu lạc bộ... với 2.814 cuộc cho 84.420 lượt cán bộ, hội viên và 91.562 lượt phụ nữ tham dự. Phối hợp với các ngành chức năng lồng ghép nhiệm vụ công tác Hội để tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh, Hội có liên quan đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ như: Xây dựng câu chuyện truyền thanh về bình đẳng giới tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng clip “Cùng xây tổ ấm” phát sóng trên Đài Truyền hình Đồng Tháp; triển khai các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em đến cấp huyện, cơ sở…
Để tăng cơ hội cho phụ nữ tiếp cận các nguồn lực xã hội, Hội LHPN các cấp đã chủ động đề xuất với các cấp, ngành, đơn vị thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành liên quan tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, cán bộ, hội viên, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội về công tác cán bộ nữ, vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tham gia giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật về vi phạm chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em; tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp phụ nữ vào các dự thảo luật, văn bản quan trọng, nhất là các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương…
|
Đồng chí Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp. |
Thực hiện bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực
Xác định công tác bình đẳng giới phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, các cấp Hội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động tạo điều kiện cho chị em phụ nữ vươn lên, nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt. Điển hình như, trong công tác cán bộ nữ, Hội phối hợp tham mưu, đề xuất cấp uỷ thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ; tiến hành kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nghị quyết, chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ. Qua đó đã tạo điều kiện và cơ hội để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác, góp phần tăng dần tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch cấp uỷ các cấp và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt qua từng nhiệm kỳ.
Trong lĩnh vực kinh tế, các cấp Hội tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ, xây dựng hình ảnh phụ nữ Đồng Tháp "Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang". Nhiều mô hình mới, cách làm hay được triển khai nhân rộng tạo sức lan toả trong giới nữ và cộng đồng, góp phần xây dựng cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc như: Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương" kịp thời hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", "Gia đình 5 có 3 sạch", "03 hộ khá giàu giúp 01 hộ nghèo thoát nghèo bền vững", góp phần cùng địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 30 lớp đào tạo nghề cho 687 chị; giới thiệu học nghề cho 308 chị, trong đó có 674 chị được cấp chứng nhận đã hoàn thành khóa học, 665 chị có việc làm sau dạy nghề. Tư vấn nghề cho 3.218 chị, phối hợp truyền nghề cho 3.977 chị, có 3.302 chị có việc làm sau truyền nghề. Vận động 1.742 lao động tham gia sàn giao dịch việc làm; giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cho 4.599 lao động; phối hợp vận động 737 lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Đáng chú ý trong lĩnh vực gia đình, các cấp Hội tập trung tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến gia đình; vận động chị em phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, triển khai có chất lượng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch/5 có, 3 sạch” góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, chăm sóc, giáo dục con theo khoa học; kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản trong thời kỳ mang thai và sau sinh, không lựa chọn giới tính khi sinh, thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em.
|
Một buổi sinh hoạt của Tổ phụ nữ Bảo vệ môi trường xã Định An, huyện Lấp Vò. |
Nhiều kết quả nổi bật
Qua triển khai thực hiện, nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội có sự chuyển biến tích cực, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong các hoạt động của đời sống xã hội. Theo đồng chí Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, phụ nữ Đồng Tháp đã tham gia hầu hết trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đội ngũ cán bộ nữ từ tỉnh đến cơ sở ngày càng có nhiều đóng góp tích cực trong lãnh đạo, quản lý, có nhiều cơ hội hơn trong thực hiện quyền bình đẳng. Đặc biệt, trong từng cương vị, môi trường sống khác nhau phụ nữ luôn được tạo điều kiện vươn lên, nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, để xây dựng gia đình hạnh phúc, đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm của người công dân đối với xã hội.
Trong nhiệm kỳ qua, nhiều cán bộ nữ trưởng thành từ công tác điều động, luân chuyển và giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, thể hiện bản lĩnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (trong đó cấp tỉnh có 01 đồng chí, cấp huyện có 30 đồng chí, cấp cơ sở có 109 đồng chí). Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp có tăng hơn so với nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó cấp Tỉnh đạt 12,5% (tăng 3,24%); cấp huyện đạt 17,66%, tăng 1,41% so với nhiệm kỳ trước; cấp xã đạt 25,23% (tăng 5,27%). Đối với Uỷ ban nhân dân các cấp, Trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh có 11/64 đồng chí nữ; cấp huyện có 01/12 bí thư là nữ; 01/12 phó bí thư thường trực; 01/12 Chủ tịch UBND huyện là nữ. Đối với Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, ở cấp tỉnh đạt tỷ lệ 20,69% (tăng 3,23% so nhiệm kỳ 2016 - 2021); cấp huyện đạt 26,85% (tăng 4,05% so với nhiệm kỳ trước, trong đó có 10 cán bộ Hội); cấp xã đạt 24,69% (tăng 2,94% so với nhiệm kỳ trước).
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Cúc, vai trò của phụ nữ trên địa bàn tỉnh trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp từng bước được phát huy, tạo điều kiện, cơ hội phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào thị trường lao động, đa dạng các nguồn lực hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh doanh của phụ nữ.
Tiêu biểu như mô hình “Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng” do chị Huỳnh Kim Phượng làm Giám đốc ở ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP Cao Lãnh. Được sự động viên, hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ địa phương, chị Phượng khởi nghiệp từ năm 2000 với mô hình là tổ phụ nữ nấu ăn gồm 4 thành viên. Đến năm 2018, mô hình nâng lên thành Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng với 12 thành viên, số vốn huy động 122 triệu đồng. Từ khi thành lập đến nay, Tổ nấu ăn Kim Phượng hoạt động ổn định, bình quân mỗi ngày nhận khoảng 80 đơn đặt hàng nấu ăn của các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình trên địa bàn xã và các địa phương lân cận, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30-40 chị em với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng, hơn nữa còn góp phần tạo thêm thu nhập cho chị em là hộ nghèo, hộ khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững và tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội khác. Ghi nhận những đóng góp của Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng, nhiều năm liền chị Phượng vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Phụ nữ vượt khó khởi nghiệp.
Cũng như mô hình khởi nghiệp của chị Phượng, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 20 Hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý, điều hành với 3.060 xã viên từ nền tảng 137 Tổ hợp tác. Toàn tỉnh hiện có 943 sản phẩm khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; hỗ trợ, hướng dẫn thành lập 21 doanh nghiệp nữ; duy trì 35/109 sản phẩm của phụ nữ công nhận đạt OCOP cấp Tỉnh. Ngoài ra, hoạt động Hội nữ doanh nhân có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động an sinh xã hội, chung sức xây dựng nông thôn mới, tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới.
Thông qua hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, xuất hiện nhiều mô hình điển hình như mô hình “Mỗi cơ sở Hội giúp ít nhất 01 hộ nghèo thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều” nhằm giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả, có 143/143 cơ sở Hội đăng ký giúp 480 hộ nghèo và 653 hộ cận nghèo có phụ nữ. Mô hình Tổ dư luận xã hội với 1.852 thành viên góp phần phát huy tính chủ động, tích cực của hội viên, phụ nữ trong vận động gia đình và người thân tránh xa các tệ nạn xã hội. Các mô hình Tổ phụ nữ tôn giáo với 1.347 thành viên như: Tổ phụ nữ tôn giáo với an toàn thực phẩm, Tổ phụ nữ tôn giáo với an toàn giao thông; Tổ phụ nữ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường; Tổ phụ nữ tôn giáo từ thiện xã hội ở 12/12 huyện, thành phố;…
Còn đó những rào cản…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp thẳng thắn chia sẻ: Khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống; sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có tăng nhưng vẫn chưa đạt tỷ lệ tham gia cấp ủy, HĐND theo quy định, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới ở một số ngành và địa phương còn mang tính hình thức, thiếu thường xuyên. Đa phần đối tượng được phổ biến là nữ, từ đó nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế, định kiến giới vẫn còn tồn tại trong xã hội, hiện tượng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra. Trong thực tế còn tồn tại khoảng cách lớn giữa các chủ trương, chính sách và việc thực thi. Một số chính sách được tạo ra để “bảo vệ phụ nữ” nhưng đang gây ra nhiều bất lợi cho phụ nữ, như quy định về tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến công tác cán bộ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp, để giải quyết một số rào cản, hạn chế còn tồn tại, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trên địa bàn nên tăng cường đầu tư các nguồn lực cho các đơn vị hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển năng lực nghiên cứu chính sách bình đẳng giới nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho các cấp uỷ Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chủ trương về công tác cán bộ nữ và Bình đẳng giới, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, Hội LHPN tỉnh đề xuất rà soát lại hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, sửa đổi, bổ sung những quy định mang tính phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới đang hạn chế sự tham gia, tiếp cận cơ hội và thụ hưởng các cơ hội đối với nữ. Bổ sung, rà soát những chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn đang mang tính định tính và thiếu cụ thể trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 11-NQ/TW, Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đồng thời, rà soát, sửa đổi các quy định của Đảng và Nhà nước về tiêu chuẩn, độ tuổi trong đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, luân chuyển, biệt phái và bổ nhiệm cán bộ tính đến vai trò giới trong gia đình để đưa ra những quy định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể giữa nam và nữ./.
Theo Kế hoạch thực hiện “Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong giai đoạn 2022-2025, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; Lồng ghép triển khai thực hiện gắn với chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2022-2025; Tổ chức các hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em; Thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội đáp ứng nhu cầu thiết thân của phụ nữ; đề xuất và tham gia xây dựng luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.
Kế hoạch nhằm định hướng, hỗ trợ các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả việc “Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em nói chung, trong đó chú trọng khu vực biên giới.
|