Vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi của Thủ đô Hà Nội có diện tích trên 30 nghìn ha, chiếm khoảng 10% diện tích tự nhiên của Thành phố. Trên địa bàn Thành phố có 50/53 thành phần DTTS sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, với số dân trên 108.000 người, chiếm 1,3% dân số toàn Thành phố.
Đồng bào DTTS cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ với trên 55.000 người, chiếm 51% người DTTS toàn Thành phố, chủ yếu là dân tộc Mường, Dao, Tày và các DTTS khác.
Tại huyện Ba Vì, đồng bào DTTS sinh sống tập trung tại 7 xã: Ba Trại, Minh Quang, Tản Lĩnh, Ba Vì, Khánh Thượng, Vân Hòa, Yên Bài.
Tương tự như các địa bàn khác, Hà Nội đang tập trung thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Thành phố về bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo đó, các nhiệm vụ cần tập trung giải quyết là tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn; Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; Các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; Giám sát và phản biện xã hội; Giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi...
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, có rất nhiều nội dung cần quan tâm giải quyết để đảm bảo, thúc đẩy thực chất bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, với đa số đồng bào, họ tiếp cận vấn đề về bình đẳng giới ở mức độ rất đơn giản.
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức Ngày hội bình đẳng giới với phụ nữ DTTS huyện Ba Vì. Trong khuôn khổ Ngày hội có Cuộc thi truyền thông: “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm vì bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số”. Tham gia Cuộc thi có 7 đội đến từ 7 xã vùng DTTS và miền núi huyện Ba Vì.
Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm, thích thú của đồng bào là phần thi xử lý tình huống thông qua biểu diễn các tiểu phẩm.
|
Thông điệp cùng nhau chia sẻ công việc gia đình để gia đình hạnh phúc, văn minh, tiến bộ trong tiểu phẩm của xã Minh Quang, huyện Ba Vì |
Bà Hoàng Thu Hồng - Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội cho biết, Ban Tổ chức đưa ra các tình huống đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra dưới mỗi mái nhà người DTTS. Bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được ít nhiều, đâu đó chuyện tương tự đang xảy ra ở ngay trong chính ngôi nhà của mình, của anh em, bạn bè, hàng xóm láng giềng…
Đó là chuyện người chồng gia trưởng đi làm về không giúp vợ con bất cứ một việc nhà nào, chỉ ngồi chơi hoặc đi uống rượu với bạn. Người vợ, từ khi đi làm về phải quay cuồng liên tục với biết bao việc nhà như: nấu cơm, tắm giặt cho con, dọn dẹp nhà cửa, kèm con học... Khi người vợ yêu cầu sự chia sẻ thì người chồng gạt đi: “Phụ nữ phải lo việc nội trợ, con cái. Đó không phải là việc của đàn ông…”
Hoặc là chuyện một gia đình có cả con trai và con gái nhưng người bố quyết định cho con gái nghỉ học, nguyên nhân là bởi kinh tế gia đình khó khăn, lại thêm suy nghĩ con gái không cần học nhiều, chỉ cần biết đọc thông viết thạo là được...
Là chuyện hai vợ chồng nhà nọ có một miếng đất. Do cần tiền để kinh doanh, người chồng quyết định bán gấp với giá rẻ. Người vợ không đồng ý nhưng người chồng không cho phép người vợ can thiệp, vì cho rằng đây là việc lớn, người chồng là đàn ông, trụ cột gia đình nên có thể tự quyết định, còn người vợ là phụ nữ thiếu hiểu biết nên không được quyền bày tỏ ý kiến...
Rồi chuyện ông chồng có thói quen uống rượu hàng ngày. Mỗi lần uống rượu lại bỏ bê công việc. Khi vợ góp ý thì ông sinh sự, chửi bới, lăng mạ vì lý do “trong nhà, đàn bà không có quyền lên tiếng”. Một lần uống rượu say, người cồng đã tát và đuổi vợ ra khỏi nhà khiến người vợ không kìm nén được cơn giận, làm đơn trình báo sự việc lên chính quyền xã.
Trên cơ sở các tình huống do Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đặt ra, các đội tự biên, tự diễn một tiểu phẩm dài không quá 8 phút đề xuất cách xử lý. Dù khác nhau về tình huống nhưng để thuyết phục được Ban giám khảo và công chúng buộc các đội phải trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng quy định cụ thể trong các văn bản luật do Nhà nước ban hành vào cách xử lý.
Đúng như chủ đề của Cuộc thi là: “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm vì bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số”, quá trình luyện tập để dịp để các thành viên tự học, tự nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về bình đẳng giới khi họ cùng nhau nhận diện các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình được quy định tại Nghị định 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021; trách nhiệm của các thành viên trong gia đình như thế nào để thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới…
Không chỉ tự nâng cao nhận thức cho bản thân, các thành viên đội thi còn thể hiện khả năng sáng tạo trong việc vận dụng pháp luật sao cho thuyết phục, thấu tình đạt lý, giúp công chúng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng tình huống để tuyên truyền tiếp cho gia đình, dòng họ mình.
|
Thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình là mục tiêu hướng đến của bình đẳng giới ở nước ta |
Chị Nguyễn Thị Xuân, dân tộc Mường ở thôn Cốc Đồng Tâm, xã Minh Quang, huyện Ba Vì tâm sự, với phụ nữ DTTS, bình đẳng giới đơn giản chỉ là mong muốn được chồng và người khác giới công nhận giá trị, công sức đóng góp của chị em cho gia đình; được chồng chia sẻ việc nhà, cùng nhau nuôi dạy con cái; được tạo điều kiện tham gia các câu lạc bộ dân ca, dân vũ ở thôn bản để chị em được giải trí về tinh thần…
Từ thành công của Cuộc thi, các chị mong muốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố thường xuyên tổ chức những hoạt động tương tự, vì đây là cách làm hay, có khả năng đem lại hiệu quả cao trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt khác, mọi người cùng học hỏi nhau cách giải quyết hay đối với những tình huống tương tự xảy ra trong gia đình, cộng đồng, để tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ; thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình./.