Giảm khoảng cách giới trong tiếp cận y tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Thứ tư, 27/09/2023 13:00
(ĐCSVN) - Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và một số bộ, ngành liên quan đánh giá, mặc dù chăm sóc sức khoẻ nói chung và sức khoẻ sinh sản nói riêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số đã có nhiều tiến bộ trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách đáng kể so với phụ nữ Kinh, Hoa.

Theo kết quả của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2019, tỉ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vẫn cao gấp 3 lần so với cả nước, một số nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 - 49 tuổi mang thai có đến cơ sở y tế khám thai năm 2019 là 88%, tăng 17,1% so với năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ này của phụ nữ Kinh là hơn 99%.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 - 49 tuổi sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ năm 2019 chỉ còn 9,5%, giảm mạnh tới 26,8% so với năm 2015 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với tỷ lệ dưới 0,5% của phụ nữ Kinh.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 - 49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, tăng tới 22,8% so với năm 2015, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh là trên 99%.

Đáng chú ý là mức chênh lệch giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn lên tới 12,8% (thành thị là 98% và nông thôn là 85,2%). Đồng thời chênh lệch giữa các vùng kinh tế - xã hội cũng khá lớn. Tây Nguyên có tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế là 84,2%, thấp hơn tới 14,2% so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 98,4%. Vẫn còn 3 dân tộc có tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế đạt dưới 50% gồm: Mông 49,6%, Mảng 44,5% và La Hủ 34,7%.

Còn nhiều khoảng cách giới trong tiếp cận dịch vụ y tế công đối với phụ nữ dân tộc thiểu số so với phụ nữ dân tộc Kinh, Hoa (Ảnh: Phương Liên) 

Phụ nữ DTTS không đến sinh con tại các cơ sở y tế, bên cạnh lý do giao thông đi lại khó khăn, hoặc điều kiện kinh tế hộ gia đình khó khăn, ở một số ít nơi còn là do tập tục không cho phép phụ nữ DTTS sinh con tại cơ sở y tế.

Nguyên nhân của chênh lệch trong chăm sóc sức khoẻ giữa phụ nữ DTTS và phụ nữ Kinh - Hoa là do những hạn chế, yếu kém của hệ thống y tế ở vùng DTTS. Các trạm y tế xã còn hạn chế về năng lực trong đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản của phụ nữ và nam giới DTTS; Rào cản ngôn ngữ giữa cán bộ y tế và người dân; Muốn được nhân viên y tế nữ khám bệnh và không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ; Ở một số khu vực miền núi, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách tới cơ sở y tế xa là rào cản đối với phụ nữ DTTS đến cơ sở y tế để khám thai và sinh con.

Để giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực y tế cho phụ nữ DTTS, theo báo cáo tổng hợp của Uỷ ban Dân tộc gửi Quốc hội Khoá XV, trong hai năm 2021, 2022, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Nghị định và 05 Quyết định với mục tiêu: “Nâng cao tỉ lệ khám, chữa bệnh và chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở; tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương thông qua chính sách bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đã đẩy mạnh triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030; ban hành Kế hoạch hành động phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 5556/QĐ-BYT ngày 04/12/2021); thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, chăm sóc phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh trong bối cảnh dịch COVID-19, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; thực hiện chiến lược về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao sức khoẻ, tầm vóc thanh, thiếu niên DTTS...

Tại các địa phương, mạng lưới trạm y tế tiếp tục được đầu tư xây dựng. Đội ngũ y bác sỹ từng bước được tăng cường, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, hộ dùng nước sạch và có nhà vệ sinh tăng so với năm trước.

Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách về y tế, cấp thẻ BHYT, khám chữa bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo công tác phòng dịch tại trường, lớp học…

Tư vấn dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời và hướng dẫn thực hành bữa ăn dinh dưỡng cho bà mẹ có con dưới 2 tuổi và bà mẹ mang thai tại xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La 

Theo khuyến nghị của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử phức hợp và đan xen đối với phụ nữ DTTS trong quá trình tiếp cận các dịch vụ sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.

Cần tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ DTTS tới dịch vụ chất lượng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ, mức độ bao phủ và tính phù hợp về mặt văn hóa, ngôn ngữ dân tộc của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng DTTS&MN.

Tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người DTTS, đặc biệt là nữ DTTS trong độ tuổi sinh đẻ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.

Vận động người DTTS thực hành sinh đẻ có sự chăm sóc của cán bộ y tế được đào tạo; bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em theo từng độ tuổi…/.

Hoàng Thu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực