|
Mục tiêu của Dự án nhằm hướng đến cải thiên đời sống kinh tế cho phụ nữ nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tôc thiểu số tại 6 xã của huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang). |
Đó là khẳng định của đồng chí Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hà Giang” diễn ra mới đây, nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm thứ 2 và kế hoạch hoạt động năm thứ 3 của Dự án.
Dự án Nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam (AWEEV) dựa trên giả định rằng việc tăng trưởng kinh tế, nâng cao phúc lợi và chất lượng sống sẽ góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Do đó, AWEEV hướng tới cải thiện điều kiện kinh tế và nâng quyền của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam, đồng thời giải quyết gánh nặng các công việc chăm sóc không được trả công. Dự án hướng đến hỗ trợ 2.635 phụ nữ và nam giới DTTS ở 9 xã (6 xã ở Hà Giang và 3 xã ở Lai Châu).
Theo nghiên cứu của Tổ chức CARE tại Việt Nam, phụ nữ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong tiếp cận cơ hội việc làm do gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công. Trong địa bàn Dự án AWEEV, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS, chịu trách nhiệm thực hiện các công việc chăm sóc không được trả công trong gia đình. Trung bình, phụ nữ dành 5 giờ mỗi ngày để làm các công việc chăm sóc không được trả công, gần gấp đôi so với nam giới. Chăm sóc con cái là một trong những công việc tốn nhiều thời gian nhất, chiếm tới 30% tổng thời gian của họ. Khi giảm thời gian và công sức chăm sóc con cái, phụ nữ dân tộc ở Hà Giang và Lai Châu có thể chuyển thời gian đó sang làm các hoạt động tạo thu nhập.
Trong thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam trong việc triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án và đã góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống của người dân địa phương, thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Được triển khai từ tháng 9/2021, Dự án Hỗ trợ nâng quyền kinh tế cho phụ nữ trong chuỗi sản xuất chè tại tỉnh Hà Giang đã định hướng và cùng với người dân tại các xã thụ hưởng xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình, hoạt động tổng hợp nhiều lĩnh vực để đóng góp cho mục tiêu nâng quyền kinh tế cho phụ nữ sản xuất chè tại tỉnh.
Mục tiêu của Dự án nhằm hướng đến cải thiện đời sống kinh tế cho phụ nữ nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tại 6 xã của huyện Quang Bình gồm Xã Tân Bắc, Tân Trịnh, Yên Thành, Xuân Minh, Tiên Nguyên, thị trấn Yên Bình. Đồng thời, nhằm hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền để giải quyết bất bình đẳng trong gánh nặng chăm sóc không lương và thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ DTTS, nâng cao năng lực phát triển kinh tế cho phụ nữ để tăng thu nhập hộ gia đình, thực hiện việc tuân thủ các quy tắc trong sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái cộng đồng;…
Đến cuối tháng 5/2023, Dự án đã hỗ trợ 6 tổ nhóm với sự tham gia của 150 phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện mô hình sinh kế bao gồm 01 nhóm nuôi gà, 3 nhóm nuôi lợn, 1 nhóm nuôi dê và 1 nhóm trồng lạc cải tạo đất. Các mô hình được hỗ trợ không hoàn lại vốn vay chung cho nhóm bằng tiền mặt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang chủ trì tập huấn kỹ thuật cho người dân như: Chăn nuôi đảm bảo an toàn, dùng đệm lót sinh học; kỹ thuật trồng trọt, hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ giảm phân bón vô cơ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các nhóm đã được dự án CARE hỗ trợ men vi sinh để ủ phân chuồng, rơm rạ, thân cây lạc thành phân hữu cơ trong trồng trọt; hỗ trợ vacxin tiêm phòng.
Hiện nay, các nhóm mô hình sinh kế (chăn nuôi gà, chăn nuôi dê, trồng lạc, chăn nuôi lợn) đang được người dân đón nhận và phát triển tốt, góp phần cải thiện thu nhập kinh tế hộ gia đình của người phụ nữ dân tộc thiểu số. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, trong năm 2022 dự án đã thực hiện 6 mô hình tại 23 thôn/6 xã. Tháng 6/2023 tiếp tục khảo sát thêm 8 mô hình sinh kế mới, mở rộng thêm 2 thôn của xã Yên Thành và Tiên Nguyên. 6 xã đã xây dựng bản tin hằng tháng để truyền tải các thông tin về cơ chế chính sách, hoạt động mùa vụ, thông tin kinh tế - xã hội ở địa phương cho người dân các thôn bản.
|
Sau 2 năm triển khai, Dự án đã góp phần phát triển kinh tế bền vững, giảm các rào cản về định kiến giới trong việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế. |
Trong khuôn khổ Dự án, để thay đổi các định kiến về giới, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì, thực hiện nhiều hoạt động như tìm kiếm, lựa chọn, tập huấn đội ngũ nam giới tiên phong trong cộng đồng để giúp lan tỏa, tuyên truyền về định kiến nam giới hỗ trợ làm việc nhà; tổ chức sự kiện cộng đồng về chiến dịch truyền thông “Nặng hóa nhẹ” với 2.968 người tham gia (trong đó có 1.774 nữ và 1.194 nam). Cùng với đó, hỗ trợ hoạt động sinh hoạt nhóm thực hiện tiết kiệm tín dụng tự quản; tập huấn việc ghi chép sổ sách cho ban quản lý nhóm thực hiện tiết kiệm tín dụng tự quản. Phối hợp cùng tổ chức CARE lập các địa chỉ tin cậy hỗ trợ người bị bạo lực giới.
Dự án đã thực hiện các hoạt động đối thoại bình đẳng giới ở tất cả 6 xã thuộc địa bàn của Dự án với sự tham gia của 480 phụ nữ và 320 nam giới với 2 chủ đề chính là: Phân công lao động và Ra quyết định trong gia đình. Kết quả khảo sát vào cuối năm 2022 cho thấy, đã có sự thay đổi định kiến về phân công lao động và các công việc nhà ở cả 3 nhóm gồm nam giới, phụ nữ và chính quyền địa phương xã và thôn. Khảo sát trên nhóm nam giới cho thấy định kiến về “phụ nữ nên là người làm công việc nhà” đã giảm từ 2,07 thời điểm đầu kỳ còn 1,76 điểm vào tháng 12/2022.
Ở các nội dung do CARE chủ trì, Dự án đã thực hiện hỗ trợ cải tạo, nâng cấp lớp học bán trú, thiết bị, dụng cụ phục vụ học sinh ăn uống, ngủ trưa tại 10 điểm trường mầm non, với tổng số 540 học sinh; hỗ trợ và cung cấp 573 máy thái chuối, rau, cỏ để chuẩn bị thức ăn cho gia súc, gia cầm. Việc hỗ trợ cho trẻ mầm non bán trú và cung cấp các trang thiết bị nói trên đã góp phần đáng kể giảm thời gian làm việc nhà của phụ nữ (giảm từ 5h số liệu đầu kỳ, giảm xuống còn 4,2h). Tương ứng với đó, thời gian làm kinh tế của phụ nữ đã tăng lên đáng kể (tăng từ 8,2h - khảo sát đầu kỳ lên 11h - khảo sát tháng 12/2023)…
Đánh giá những kết quả đạt được sau 2 năm triển khai Dự án, đồng chí Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang khẳng định, Dự án AWEEV tại huyện Quang Bình đã thu được nhiều kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế bền vững, giảm các rào cản về định kiến giới trong việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế. Tỉnh Hà Giang cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án đạt các mục tiêu đề ra. Phó Chủ tịch Thường trực Hoàng Gia Long mong muốn Chính phủ Canada cùng Tổ chức CARE Quốc tế tiếp tục quan tâm, xem xét mở rộng địa bàn thực hiện Dự án và tài trợ các chương trình, dự án liên quan đến các lĩnh vực địa phương còn nhiều khó khăn.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hà Giang” diễn ra mới đây, ngài Shawn Perry Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam và mối quan hệ giữa hai nước thời gian qua; đồng thời khẳng định Chính phủ Canada sẽ tiếp tục ưu tiên giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi ở Việt Nam nói chung, Hà Giang nói riêng. Đối với Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hà Giang”, ngài Đại sứ mong muốn tỉnh Hà Giang tiếp tục phối hợp, nâng cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện mục tiêu bao trùm của Dự án, góp phần nâng cao quyền phát triển kinh tế để tiếng nói của phụ nữ được nâng lên, phát huy được tính tự chủ của mình.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, trong năm tiếp theo của Dự án, Sở tiếp tục thực hiện các hoạt động theo lộ trình nội dung văn kiện đã ban hành; đồng thời tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực tổng hợp, điều hành của các trưởng nhóm, trưởng thôn; tập huấn kỹ năng mềm về khả năng trình bày, hướng dẫn quy trình triển khai, thực hiện mô hình sinh kế cho đội ngũ cộng tác viên là các nông dân nòng cốt ở thôn bản. Cùng với đó, tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển các tổ nhóm mô hình sinh kế; chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè về cơ chế vận hành và cách thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, cần có sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương, đặc biệt Hội Liên hiệp phụ nữ xã, UBND xã phối hợp cùng Dự án triển khai tuyên truyền giúp người dân thay đổi quan niệm giới, giúp phụ nữ có tiếng nói, quyền quyết định trong gia đình, tiến tới bình đẳng giới trong cộng đồng./.