Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Trương Thị Mai tại cuộc gặp mặt đại biểu tham dự chương trình Biểu dương chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023 diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội.
|
Trong số 293 đại biểu là chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc có 61 đại biểu là người dân tộc thiểu số đại diện cho 25 dân tộc (chiếm 20,82%). |
Trong số 293 đại biểu là chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi được lựa chọn từ 63 tỉnh, thành và 2 đơn vị lực lượng vũ trang trong toàn quốc có 61 đại biểu là người dân tộc thiểu số đại diện cho 25 dân tộc (chiếm 20,82%). 100% các chị đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, là đảng viên; có 242 chị tham gia cấp ủy (chiếm tỷ lệ 82,6%), 233 chị tham gia Hội đồng Nhân dân các cấp (chiếm tỷ lệ 79,5%), 164 chị kiêm nhiệm thêm các chức danh khác.
Nhiều chị đang công tác ở địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa như chị Sùng Cà Pớ, dân tộc Hà Nhì, xã Lèng Su Sìn, huyện Mường Nhé, Điện Biên; chị Hồ Thị Thương, dân tộc Bru-Vân Kiều, xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị; chị Y Phiếu, dân tộc Xơ Đăng, xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum; chị Katơr Thị Ái, dân tộc Raglay, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận…
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, các chị đã luôn gần gũi hội viên, nắm bắt tình hình thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ để tìm cách đổi mới hoạt động Hội ở cơ sở sát với thực tiễn; thực hiện các phần việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; duy trì hiệu quả hàng chục ngàn câu lạc bộ thu hút hội viên tại cơ sở… Các chị đã chủ động tham mưu với cấp ủy đảng về thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển đảng viên nữ, giới thiệu nguồn cán bộ nữ; tích cực tham gia giám sát, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của người dân, trong đó có phụ nữ.
|
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam trò chuyện cùng chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc. |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Trương Thị Mai cho rằng, để làm tốt vai trò người đứng đầu tổ chức Hội ở cơ sở thực tiễn cho thấy, không chỉ là sự tận tuỵ, bám sát địa bàn, chia sẻ với hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, của phụ nữ mà còn đòi hỏi sự gương mẫu, hy sinh, nói đi đôi với làm, sát thực tiễn, thiết thực. Nếu không có tâm huyết, trách nhiệm cao với công việc không thể bám trụ lâu dài, không thể hy sinh một phần cuộc sống riêng tư cho công việc chung.
"Điều rất đáng ghi nhận đó là có rất nhiều chủ tịch Phụ nữ ở cơ sở đáp ứng được yêu cầu này và xa hơn điều đã đạt được không chỉ là công việc của Hội được toàn tâm, toàn ý mà còn góp phần cho mục tiêu chung là sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ, cuộc sống hạnh phúc của từng gia đình, sự phát triển của địa phương, của đất nước", đồng chí Trương Thị Mai nói.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Trương Thị Mai cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023 được biểu dương. |
Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng mong muốn Hội LHPN Việt Nam quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện thật tốt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dụng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ thuật, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi” gắn với Nghị quyết 11-NQ/TW (2007) của Bộ Chính trị và Chỉ thị 21-CT/TW (2018) của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới./.